Ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm chính quyền địa phương và bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã chung tay phục dựng nhà dài theo triền ký ức. Đây là cách làm hay để lưu giữ truyền thống, chung tay xây dựng, bảo tồn văn hóa của người Mạ, K’Ho bản địa.
Bà con đồng bào DTTS góp sức dựng nhà dài |
Lộc Tân là một xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong đó, đồng bào người Mạ, K’Ho chiếm phần lớn. Hiện nay, đời sống của đồng bào có nhiều khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang. Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của Nhân dân đã tạo nên một bức tranh hài hòa về kinh tế – văn hóa, xã hội…
Nhằm lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 4 thôn các bộ cồng chiêng và phục dựng một số nhà sinh hoạt truyền thống theo lối kiến trúc của nhà dài.
Bếp lửa nhà dài gợi niềm ký ức núi rừng |
Hiện nay, tại Thôn 2 và Thôn 3 của xã, nhà dài truyền thống đã được phục dựng nguyên bản; tuy quy mô, kích thước thu nhỏ nhưng vẫn mang đậm dấu ấn thuở ban đầu.
Ông K’Phàng ở Thôn 2 là một nghệ nhân cồng chiêng của buôn làng. Ông cho rằng, đánh cồng chiêng trong những ngôi nhà làm bằng xi măng, cốt thép và ngôi nhà dài khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt về không gian ấy chính là mỗi khi cồng chiêng vang lên là tiếng gọi của lịch sử, lời vang vọng của núi rừng, thần linh, cha ông quyện hòa cùng với thiên nhiên. Minh chứng rõ ràng nhất là vật liệu để xây dựng ngôi nhà dài. Nhà dài được đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân dựng nguyên bản theo trí nhớ của các bậc cao niên, chỉ dùng các vật liệu tự nhiên như: gỗ, tranh, tre, nứa, lá, mây. Thế nhưng đã tạo nên sự vững chãi, trường tồn với thời gian.
Sự huyền diệu bên bếp lửa nhà sàn của nam thanh, nữ tú |
Bằng sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, ngôi nhà dài được dựng ở nơi cao ráo, quang đãng; thể hiện sự tinh hoa, nét độc đáo trong kiến trúc núi rừng.
Cách làm của xã Lộc Tân trong việc phục dựng nhà dài là dựa vào sự đóng góp công sức, vật liệu của đồng bào. Mỗi người mỗi việc, người đục, người đẽo, người đan phên vách, người buộc lạt mây, người lợp mái… đã tạo nên một cộng đồng đoàn kết để lưu giữ truyền thống.
Đặc biệt hơn, ở Thôn 2, người dân đã tự hiến đất để xây dựng nhà dài truyền thống. Ông K’Dim là một người như thế. Ông đã hiến đất để bà con góp sức, góp của xây dựng nhà dài truyền thống. Theo ông K’Dim thì lưu giữ văn hóa, nơi sinh hoạt chung của bà con là một việc làm hết sức ý nghĩa, để trao truyền cho con cháu mai sau.
Các bà, các chị, các mẹ với khúc hát của núi rừng |
Còn tại Thôn 3, nhà dài truyền thống được phục dựng ở sân bóng thôn, bà con cùng chung sức, góp nguyên vật liệu để dựng nên một không gian đậm đà phong vị núi rừng miệt Nam Tây Nguyên.
Lộc Tân hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào bản địa, từ cồng chiêng, thổ cẩm và cho đến nay là phục dựng nhà dài truyền thống. Tại các nhà dài truyền thống này, trong các dịp lễ hội, bà con quây quần bên bếp lửa. Kể cho nhau nghe về những ngày lên nương lên rẫy, những câu chuyện quá khứ đã trở thành huyền thoại.
Nhà dài được phục dựng tại xã Lộc Tân |
Rồi nữa, cũng bên bếp lửa ấy, từng ống cơm lam, từng bát canh đọt mây, rau rừng bóc khói nghi ngút tái hiện văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Để rồi khi màn đêm buông xuống, thanh niên, trai gái bản làng đắm say trong tiếng cồng chiêng, từng điệu múa.
Ông K’Nhiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết, hiện nay, địa phương đã phục dựng được 2 nhà dài truyền thống của đồng bào DTTS. Đây là nơi sinh hoạt chung, tái hiện không gian văn hóa của đồng bào DTTS. Qua đó, nhân lên sự đoàn kết, tinh thần cộng đồng, nhắc nhớ những giá trị tốt đẹp của cha ông bao đời để lại.
Giờ đây, nhà dài truyền thống của đồng bào DTTS đang dần ít đi, nhường chỗ cho những ngôi nhà làm bằng bê tông, cốt thép. Dĩ nhiên, đó là sự đổi thay đáng mừng khi nhà nhà được kiên cố hóa, phòng ốc sang trọng, mái ngói sáng lóa.
Nhưng, điều làm ta say đắm ở Lộc Tân chính là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Bà con có một nơi sinh hoạt chung, để đêm đêm, cồng chiêng, các vũ điệu cứ huyền hoặc giữa núi rừng. Bên bếp lửa nghi ngút khói, cùng nhau kể những câu chuyện thi vị của núi rừng.