(LĐ online) – Ngày 29/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, TP Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi trò chuyện nghệ thuật (Art Talk) về cuộc đời, sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng, một trong bốn người làm nên “bộ tứ” thứ hai lừng lẫy của Mỹ thuật Việt Nam: Sáng (1923 – 1988), Phái (1920 – 1988), Liên (1924 – 1988), Nghiêm (1918 – 2016), bên cạnh “bộ tứ” thứ nhất: Trí (1908 – 1993), Vân (1908 – 1954), Lân (1906 – 1946), Cẩn (1910 – 1994), để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà danh họa.
Tác phẩm Trong vườn chuối của danh họa Nguyễn Sáng |
Nguyễn Sáng sinh năm 1923, tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1938, ông thi đậu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945, Nguyễn Sáng tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên Chiến khu Việt Bắc, dùng cọ vẽ phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Bằng tình yêu chân thành, Nguyễn Sáng đã tạo nên nhiều tác phẩm mỹ thuật giá trị.
Tại buổi trò chuyện nghệ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, và họa sĩ Đặng Thị Khuê – những người từng trực tiếp trò chuyện, trao đổi với danh họa Nguyễn Sáng, đã kể lại những câu chuyện xúc động về nhà danh họa Nguyễn Sáng.