Với địa hình đồi dốc, lượng mưa lớn, nên Lâm Đồng thường phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão. Chỉ trong khoảng 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, sập taluy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; trong đó nghiêm trọng nhất là vụ sạt đất trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh và 1 người dân tử vong. Từ những vụ việc này, đòi hỏi chúng ta phải cấp bách thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống sạt lở đất nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Thực ra, trước mỗi mùa mưa bão, tỉnh đều có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các phương án ứng phó. Riêng năm nay, UBND tỉnh đã liên tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phòng, chống mưa lũ, sạt lở, ngập úng. Lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra hiện trường các vụ việc và những khu vực có nguy cơ cao; đã có những chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để đề phòng sạt lở, đồng thời, cương quyết xử lý các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu chủ quan, lơ là hoặc vi phạm dẫn đến các vụ việc đáng tiếc.
Gần đây nhất, trong văn bản hỏa tốc ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án do mình làm chủ đầu tư hoặc thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý để thực hiện các giải pháp gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình. Đối với các công trình đang thi công thì khẩn trương hoàn thành các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn; lập hàng rào che chắn, có biện pháp neo giữ, gia cố dàn giáo, máy móc và các thiết bị thi công trên cao trước khi có gió bão; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với nhà tạm, lán trại trên công trường. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại tại khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra; trong đó, tập trung vào các khu vực đồi, núi có nguy cơ sạt lở, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện gần các khu dân cư, trụ sở cơ quan nhà nước; khi xảy ra sự cố, phải chủ động tổ chức lực lượng xử lý ngay, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Kiên quyết di dời sơ tán ngay các hộ dân, người làm việc trong cơ quan, đơn vị tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đến tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân; chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời…
Các nội dung chỉ đạo đã rất cụ thể. Điều quan trọng là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và trách nhiệm. Cơ quan, địa phương nào để xảy ra sự cố do không thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp trên hoặc chủ quan, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương đó để tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định. Có như vậy mới hạn chế những vụ việc đáng tiếc, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.