Tưởng chừng như không một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi dưới những trận mưa bom trút xuống của kẻ thù tại Ngã ba Đồng Lộc nhưng ngày đêm trên đoạn đường này vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Để rồi từ đó viết lên một bản tráng ca bất hủ, linh thiêng, vọng mãi ngàn năm về một thế hệ cha anh không tiếc xương máu hy sinh cho nền độc lập của dân tộc.
Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc |
Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1964 đến năm 1972, nơi đây bị kẻ thù đánh phá liên tục, ác liệt nhất vào năm 1968, chúng đã ném xuống mảnh đất này hơn 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi m2 đất bị 3 quả bom cày xới, cây cỏ không thể mọc nổi, đất đá bị cày đi, xới lại. Dã tâm của kẻ thù hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, thời điểm đông nhất, lực lượng của ta lên đến 16.000 người, gồm: bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân du kích, công an…
Trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Ngã ba Đồng Lộc vào 16 giờ, ngày 24/7/1968, một quả trong cơ số bom mà địch ném xuống đã phát nổ gần căn hầm chữ A, nơi mà 10 nữ thanh niên xung phong đang tránh bom. Các chị đã hy sinh oanh liệt lúc thanh xuân đang phơi phới khi làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến xe qua. Chị trẻ nhất mới 17 tuổi, 3 chị lớn nhất cùng tuổi 24.
Thật bồi hồi xúc động khi nghe đến những vần thơ của nhà thơ Yến Thanh: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn quây quần đủ mặt/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được”. 10 chị hy sinh, riêng thi thể của Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc chưa tìm thấy được, phải đến ngày thứ 3, thi thể của chị Cúc mới được tìm thấy, cách hố bom mà kẻ thù tàn ác ném xuống chừng 20 m trong đất đá.
Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã quả cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là sự hy sinh của Tiểu đội 4 Đại đội 552 thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng.
Giờ đây, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa danh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là địa chỉ đỏ, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh; 10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng, Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt và đầu tư xây dựng thành một quần thể di tích thiêng liêng với nhiều hạng mục.
Đến với Ngã ba Đồng Lộc, ta nghe được tiếng chuông ngân vọng lời tri ân son sắt từ linh chuông Đồng Lộc, hình ảnh vút cao của Tượng đài chiến thắng giữa trời xanh thăm thẳm, Cột biểu tượng của ngành Giao thông vận tải nằm ngay chính giữa Ngã ba, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc; Nhà trưng bày truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc, Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Đồi La Thị Tám, Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, hố bom nơi 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh, cầu Tối cách Ngã ba Đồng Lộc khoảng 400 mét… những triền thông bạt ngàn vi vu, những con đường mới uốn quanh các ngọn đồi.
Chúng tôi, con dân đất Việt thật bồi hồi, xúc động khi được thắp nén tâm nhang lên phần mộ của các chị; cúi đầu trước sự hy sinh, dành cả tuổi xuân nhằm đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Càng xúc động hơn khi được nghe ông Đào Anh Tuân – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu về di tích lịch sử, chứng kiến những hố bom còn sót lại mà kẻ thù đã dã tâm ném xuống mảnh đất này. Hôm nay, nhiều thế hệ về đây – cõi thiêng Đồng Lộc, còn vọng mãi ngàn năm. Theo Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, hàng năm, khu di tích đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, dâng hương, dâng hoa; họ là những cựu chiến binh, thanh niên, học sinh, sinh viên, thiếu nhi, công nhân, viên chức…
Tại nhà trưng bày, bằng phương tiện hiện đại, khu di tích đã tái hiện lại cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta, sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong qua địa đồ và hệ thống mô phỏng thực tế tại Ngã ba Đồng Lộc được thu nhỏ. Người xem được chứng kiến tận mắt những vụ ném bom của kẻ thù, từng cơ số bom mà chúng đã trút xuống ngã ba này, những tiếng nổ xé trời, đất đá rung chuyển, khói bụi mịt mù. Cảnh quân và dân ta đánh trả máy bay, buộc chúng phải lượn khỏi vị trí, cút khỏi tuyến đường. Cảnh san lấp hố bom, hàng người đứng để làm cột mốc định vị cho xe qua an toàn. Ở những phân cảnh tái hiện đó, lẫn trong tiếng mưa bom, đạn gào là tiếng của những nam, nữ thanh niên xung phong lứa tuổi đôi mươi vẫn cười nói ríu rít, thể hiện tinh thần lạc quan; cất cao lời ca tiếng hát tin vào thắng lợi ngày mai.
Tháng Bảy, tháng của sự tri ân, của niềm biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc xương máu hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Trong đó, sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành những đóa hoa bất tử, còn lưu hương đến muôn đời sau.