Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện. Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28, 55. Các tỉnh lộ 721,722,723, 724 và 725 và đường Đông Trường Sơn nối liền Lâm Đồng với vùng Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế-xã hội với các vùng kinh tế, các tỉnh trong khu vực. Trong tương lai khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương (đến sân bay Liêng Khương) được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn được thời gian đi từ Tp.Hồ Chí Minh-Đà Lạt còn khoảng 3-4 giờ.
Cảng Hàng không sân bay Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km về phía Nam, với đường bay dài 3.250m, công suất 1,5-2 triệu khách/năm đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng khai thác được các loại máy bay hàng không dân dụng tầm trung như A320, A321, Fokker 70 và tương đương. Hàng ngày có các chuyến bay đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và ngược lại. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang nổ lực hợp tác xúc tiến các tuyến bay đi Singapore, Simrip…
Dân số Lâm Đồng tính đến cuối năm 2012 là 1.233.430 người, ngoài dân tộc kinh Lâm Đồng còn là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Churu, Mạ, K’Ho, M’Nông… vì thế Lâm Đồng có nhiều lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu. Đến nay, cứ hai năm một lần Lâm Đồng tổ chức lễ hội Festival Hoa Đà Lạt là lễ hội cấp Quốc gia và Lễ hội Trà Lâm Đồng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng khác như điện, nước, bưu chính viễn thông của địa phương khá ổn định. Hiện nay 100% số xã trong tỉnh đã có điện và mạng lưới bưu chính đến trung tâm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và các nhà đầu tư.
TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH
Trong tổng số 277.000 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 212.309 ha đất đỏ bazan rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, dâu tằm, tiêu, cao su, điều…
b. Tài nguyên rừng
Lâm Đồng có 587.000 ha rừng với độ che phủ 60,4% diện tích toàn tỉnh. Do mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt và đất đai phù hợp nên các loại tre, nứa, lồ ô có tốc độ tái sinh rất nhanh sau khi khai thác. Rừng Lâm Đồng mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật Việt Nam, rất đa dạng, có trên 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có một số loại gỗ quý như pơmu xanh, cẩm lai, gỗ thông 2 lá, 3 lá… và nhiều loại lâm sản khác; là vùng nguyên liệu lý tưởng đầy triển vọng cho đầu tư công nghiệp chế biến có hiệu quả. Hàng năm rừng sản xuất còn cung cấp khối lượng lớn gỗ để phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ có giá trị kinh tế cao.
c. Tài nguyên khoáng sản
Theo kết quả điều tra thăm dò, Lâm Đồng có 289 mỏ và điểm quặng bao gồm 30 loại khoáng sản thuộc 5 nhóm chính: kim loại, phi kim loại; đá quý – bán đá quý; đá ốp lát; nước khoáng – nước nóng và khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó có Bauxite, Bentonite, Kaolin, Diatomite và than bùn có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp.
Quặng bô xít ở Lâm Đồng có trữ lượng khoảng 1,234 triệu tấn, chất lượng quặng khá tốt (hàm lượng Al2O3: 44-45%, Fe2O3: 22,7-23,6%, Si2O3: 2,1%, TiO3: 3,7%) điều kiện khai thác và vận chuyển khá dễ dàng. Sét Bentonite có trữ lượng trên 4 triệu tấn. Than nâu và Diatomite được phát hiện tại nhiều điểm, mỏ Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) là có khả năng khai thác công nghiệp với trữ lượng 8,5 triệu m3. Cao lanh Lâm Đồng có trữ lượng khoảng 520 triệu tấn.
d. Tài nguyên nước
Lâm Đồng là tỉnh nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thủy điện rất lớn. Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bổ khá đồng đều, phần lớn chạy từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam.
Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn. Các sông lớn của tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Ba sông chính ở Lâm Đồng là: Sông Đa Dâng (Đạ Đờn), Sông La Ngà, Sông Đa Nhim. Do thuận lợi là tỉnh miền núi nhiều thung lũng và hệ thống sông suối nên Lâm Đồng là nơi tích thủy với các hồ thủy điện Đa Nhim có quy mô diện tích 970ha, dung tích nước 165 triệu m3, công suất nhà máy thủy điện 160MW. Hồ Hàm thuận Đạ Mi diện tích 2500ha, dung tích nước 695 triệu m3, công suất nhà máy 300 MW, Hồ Đại Ninh diện tích 2000ha, dung tích nước 320 triệu m3 công suất nhà máy thủy điện 300MW. Các hồ trên là thắng cảnh đẹp là tiền đề cho phát triển du lịch.
VĂN HÓA – XÃ HỘI
Lâm Đồng là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với sự góp mặt của trên 43 cộng đồng nhiều dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc. Đó là những công cụ lao động, dụng cụ gia đình, đồ trang sức cá nhân… Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay lưu giữ hơn 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm.
Văn học dân gian của Lâm Đồng khá phong phú, nghệ thuật ở Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt với những nét đặc sắc được thể hiện qua những phong tục, tập quán văn hoá của các dân tộc thiểu số bản địa. Sự phối hợp giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành nét riêng cho văn hoá Lâm Đồng nói chung và nghệ thuật nói riêng.
Lễ hội tại Lâm Đồng cũng rất phong phú, các lễ hội lớn gồm Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hoá trà được tổ chức hai năm một lần và rất nhiều lễ hội văn hóa dân tộc ở Lâm Đồng được tổ chức mỗi năm như Lễ hội Kồng Chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng thần suối, Lễ cúng thần bơmung, lễ cúng cơm mới…
GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, Đà Lạt – Lâm Đồng hiện có đủ các loại hình đào tạo trên cơ sở của 2 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và trên 50 cơ sở dạy nghề thu hút học sinh, sinh viên của mọi miền đất nước về học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh đó tỉnh đã quy hoạch khu làng đại học quốc tế với quy mô khoảng 500 ha tại huyện Lạc Dương và đang kêu gọi đầu tư. Nhiều trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu cây rau, Phân viện sinh học…góp phần đáng kể trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.
Lâm Đồng tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên lĩnh vực giáo dục.
DU LỊCH
Đà Lạt -Lâm Đồng nằm trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao từ trung bình từ 800-1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Trung tâm du lịch Đà Lạt cách các đô thị lớn của vùng và khu vực không xa, giao thông thuận lợi cả về đượng bộ, hàng không và có khả năng khôi phục đường sắt Đà Lạt- Tháp Chàm. Đà Lạt – Lâm Đồng có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nổi tiếng về hồ, thác nước, rừng thông, các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa – nghệ thuật cao nên Đà Lạt Lâm Đồng có điều kiện để phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, văn hóa- thể thao, nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục…
Hạ tầng du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng ngày càng phát triển, hiện nay Lâm Đồng có 749 cơ sở lưu trú, trong đó có 202 khách sạn từ 1-5 sao (5.791 phòng) bao gồm 21 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao quy mô 1.807 phòng. Có 29 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành- vận chuyển du lịch (7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế). Hình thành 32 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác ( các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, các cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa, khảo cổ…)
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Rau, Hoa:
Vùng Rau tỉnh Lâm Đồng tập trung tại các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương và Lâm Hà. Diện tích trồng rau các loại năm 2012 là 48.781ha với tổng sản lượng đạt 1.473.400 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu 10.837 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,3 triệu USD. Rau Đà Lạt từng bước được sản xuất theo phương pháp rau an toàn. Tuy vậy, vấn đề giống, công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ sau thu hoạch và chế biến rau vẫn còn là những lĩnh vực cần có các nhà đầu tư. Thương hiệu rau Đà Lạt đã được công nhận, hiện đang tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn GAP cho thương hiệu rau Đà lạt để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Rau Lâm Đồng được tiêu thụ ở hầu hết các thành phố lớn, các địa phương trong cả nước, về xuất khẩu Rau Lâm Đồng phần lớn được xuất khầu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia.
Vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu tại Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng. Hoa Lâm Đồng đa dạng về các chủng loại và có giá trị phẩm cấp cao như: các loài hoa phong lan, địa lan, hồng, cẩm chướng, ly ly, lay ơn, loa kèn… giống hoa liên tục được đổi mới, bổ sung. Diện tích trồng hoa toàn tỉnh năm 2012 là 5.148 ha, sản lượng hoa 1.781 triệu cành, sản lượng xuất khẩu 196,69 triệu cành, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,18 triệu USD. Hoa Hoa Đà Lạt – Lâm Đồng được tiêu thụ ở hầu hết các thành phố lớn, các địa phương trong cả nước. Về xuất khẩu, rau -hoa Đà Lạt – Lâm Đồng đã tham gia vào thị trường của các nước: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Bỉ, Hà Lan, EU, Mỹ, Trung Quốc,… Đã có doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả trên lĩnh vực này, nhưng ngành trồng hoa áp dụng công nghệ cao của Đà Lạt – Lâm Đồng vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khác.
Trà và Cà Phê:
Thuận lợi về tài nguyên đất đai với sự phân bổ khá tập trung của một số các loại đất tạo thích nghi cây trồng nên từ lâu Lâm Đồng hình thành vùng chuyên canh chè, cà phê, dâu tằm (các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà).
Đến năm 2012 quy mô diện tích cây công nghiệp là 170.000ha (cà phê 144.170ha, chè 24.300ha, trong đó có 1.000 ha trà có chất lượng cao như các loại Olong, Kim Xuyên, Tứ Quý,…). Sản lượng cà phê xuất khẩu 80.681 tấn; giá trị xuất khẩu 173,69 triệu USD, sản lượng chè xuất khẩu 11.616 tấn; giá trị xuất khẩu 18,375 triệu USD.
Chè, cà phê của Lâm Đồng đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu tại các khu vực: Nhật Bản, EU, Đài Loan, Trung Đông, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…