Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội sở hữu hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, làng nghề truyền thống phong phú.
Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 với chủ đề “Duyên dáng áo dài Hà Nội” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long |
Trong các nghị quyết, chương trình của Trung ương và Hà Nội, văn hóa được coi là nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Đặc biệt, nguồn lực di sản đang được thành phố đầu tư, khai thác, chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
• Nguồn lực dồi dào
Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nhắc đến di sản Hà Nội là nhắc đến Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… hay các lễ hội lớn như, hội chùa Hương, hội Gióng, hội Cổ Loa…
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Với một đô thị cổ giàu truyền thống văn hóa như Hà Nội, hệ thống di sản đô thị đang hiện hữu rộng khắp, trong đó nổi bật là các biệt thự cổ, công trình cổ, khu phố Pháp…
Theo các nhà quản lý, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Bởi vậy, nhiều năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển Thủ đô.
Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là một trong những nền tảng để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Khẳng định nguồn lực đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách đến với Thủ đô Hà Nội, Tiến sĩ Trần Đức Nguyên – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch, nguồn thu từ hoạt động này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Trên thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô chủ yếu tập trung vào điểm di sản văn hóa tiêu biểu như, các di tích, làng nghề, văn hóa ẩm thực…
• Động lực phát triển công nghiệp văn hóa
Quán triệt và triển khai các nghị quyết, chương trình của Trung ương về phát triển văn hóa, Hà Nội đang từng bước vận dụng, triển khai phù hợp thực tiễn, trong đó đưa văn hóa, đặc biệt là di sản trở thành lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, việc tìm ra giải pháp để chuyển hóa nguồn lực này cho phát triển công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả mới là câu chuyện cần được tính đến. Bởi nếu không kết nối nguồn lực di sản với sáng tạo và sản xuất, tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Thực tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Mới đây, Hà Nội quyết định dành 14.029 tỉ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích, giai đoạn 2021 – 2025, tạo ra luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô. Không chỉ giữ vốn quý cha ông để lại cho muôn đời sau, mà việc tu bổ di tích còn tạo động lực cho khả năng biến di sản thành sản phẩm du lịch thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hàng loạt các sản phẩm du lịch đêm ra đời mới đây trên địa bàn Hà Nội, đa phần được hình thành trên nền các di sản. Đó là, di tích Nhà tù Hỏa Lò với 3 chương tour đêm mang tên Đêm thiêng liêng 1, 2, 3; Hoàng thành Thăng Long với tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu – Quốc Tử Giám với tour “Tinh hoa đạo học”; di tích đền Ngọc Sơn với tour Ngọc Sơn – Đêm huyền bí. Du khách tham gia tour đêm không chỉ trải nghiệm không gian di tích về đêm mà còn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của di sản thông qua các câu chuyện được xây dựng một cách độc đáo.
Lãnh đạo Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho rằng, việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch được Hà Nội thực hiện hiệu quả từ nhiều năm qua. Nguồn thu từ hoạt động này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Nhiều lễ hội được phục dựng theo các nghi lễ truyền thống như lễ hội chùa Láng, lễ hội đền Đồng Cổ không chỉ bảo tồn giá trị cũ mà còn hấp dẫn du khách gần xa. Nếu nhìn vào lễ hội chùa Hương mỗi năm thu hút gần 1,5 triệu lượt mới thấy được lợi thế của di sản trong phát triển công nghiệp văn hóa. Hay nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, chầu văn, rối nước đang được sân khấu hóa phục vụ khách du lịch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, đứng trước quá trình phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc tế, các lĩnh vực văn hóa và hoạt động văn hóa đang chịu tác động mạnh mẽ của quy luật kinh tế thị trường. Vì vậy, cần đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa nói chung, quản lý nguồn lực văn hóa nói riêng để đáp ứng nhu cầu biến đổi của xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ, cùng với nguồn doanh thu trực tiếp từ kinh doanh du lịch tại các điểm di tích lịch sử văn hóa đóng góp cho ngân sách, cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô, việc khai thác giá trị của di tích để phát triển du lịch xét một khía cạnh nữa cần đề cập đó là sự thay đổi sinh kế theo chiều hướng tích cực của người dân địa phương nơi các di tích tồn tại.
(Theo Baotintuc.vn)
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/70-nam-giai-phong-thu-do-tu-nguon-luc-di-san-den-tiem-nang-cong-nghiep-van-hoa-75b02b5/