Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua còn gặp khó khăn trong việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp. Hoạt động của một số tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng chưa cao.
Thành lập tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp luôn được lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, huyện, thành phố quan tâm thực hiện tốt |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chủ yếu do quy mô doanh nghiệp nhỏ, lao động làm việc theo ca, làm việc phân tán trên các huyện, thành phố thuộc tỉnh, có doanh nghiệp phần nhiều là lao động hợp đồng thời vụ, không ổn định. Một vài chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội; một số người lao động không gắn bó với doanh nghiệp nên không muốn tham gia các tổ chức đoàn thể…
Mặt khác, đối với đảng viên công tác, lao động trong doanh nghiệp không giữ chức vụ lãnh đạo, không tham gia quản lý doanh nghiệp, không có mối liên hệ phối hợp công tác tốt giữa chi bộ với chủ doanh nghiệp nên hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng không cao. Doanh nghiệp tư nhân thường thay đổi chủ sở hữu, dẫn tới khó khăn cho công tác phát triển Đảng, tổ chức đoàn thể ở những đơn vị này.
Còn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ; chủ doanh nghiệp không thường xuyên có mặt tại doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp lo ngại việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như năng suất lao động, kinh phí hoạt động… Về cơ bản, hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội tại các doanh nghiệp đã bám sát nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Sự phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động chưa chặt chẽ, còn phụ thuộc vào quyết định của chủ doanh nghiệp; chế tài trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động chưa được thực hiện nghiêm; tình trạng một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN còn xảy ra. Thời gian dành cho người lao động để học tập, nâng cao trình độ mọi mặt chưa được quan tâm.
Trước tình hình đó, trên cơ sở văn bản của Trung ương và văn bản lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh rà soát, tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị – xã hội tại doanh nghiệp. Các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm việc thành lập tổ chức đoàn thể tại những doanh nghiệp khi có đủ điều kiện, xem xét, kết nạp đoàn viên, hội viên theo quy định.
Đại diện các cơ quan chức năng như: Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Nội vụ cũng kiến nghị, đề xuất Bộ Nội Vụ, các cơ quan có thẩm quyền Trung ương sớm xem xét bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành quy định mới về việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cho phù hợp với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cần xây dựng ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích để động viên, khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị – xã hội tại doanh nghiệp. Đồng thời có chế tài cụ thể xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không thành lập tổ chức Công đoàn.
Các doanh nghiệp tha thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền từng bước nghiên cứu, đề xuất những doanh nghiệp có đầy đủ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có 3 đến 5 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc chi phí sinh hoạt của tổ chức chính trị – xã hội được tính vào chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần gắn trách nhiệm của người lao động, người chủ sử dụng lao động đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chỉ đạo và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện Nghị định 98 của chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất với Đoàn công tác Bộ Nội vụ trong buổi làm việc mới đây tại Lâm Đồng một số nội dung như: Sớm xem xét bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành quy định mới về việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cho phù hợp cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích để động viên, khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị – xã hội tại doanh nghiệp; đồng thời có chế tài cụ thể xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không thành lập tổ chức Công đoàn…
• Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường khẳng định, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được Chính phủ ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng quy định thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc, lồng ghép tuyên truyền, định hướng cho doanh nghiệp, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện Nghị định 98 nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tính quyết liệt hơn trong thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, làm tốt sẽ giảm thuế… Đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch, chú trọng quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp. Đoàn công tác liên ngành của Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 nhằm bổ sung một số quy định, hướng dẫn về hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp sao cho phù hợp với quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
• Ông Hoàng Liên – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tỉnh đã tổ chức Hội nghị “biểu dương doanh nghiệp vì người lao động, người lao động tiêu biểu vì doanh nghiệp”; qua đó kịp thời khích lệ, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất. Nét mới và đáng mừng là UBND tỉnh đã có Quy định phối hợp xử lý đình công trái quy định trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và rất mong cấp Trung ương tiếp tục quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, thực tế còn nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; tình trạng nợ lương, BHXH, BHYT ở doanh nghiệp tư nhân còn diễn ra, mặc dù có chỉ đạo nhưng vẫn còn tái diễn. Đây cũng là vấn đề đáng báo động, cần có sự quan tâm chỉ đạo, giải pháp từ Trung ương, tránh để xảy ra mâu thuẫn, xung đột dẫn đến đình công, gây sức ép với chủ doanh nghiệp; đặc biệt cần lưu ý ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Đề nghị cần chú trọng giải pháp nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách với doanh nghiệp làm tốt, thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế cho doanh nghiệp, ổn định tình hình.
|
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202411/10-nam-thuc-hien-nghi-dinh-98-tai-lam-dong-bai-2-13a3213/