Công khai ĐTM và tham vấn cộng đồng
TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhận định: Lò hỏa táng là dự án vừa mang yếu tố môi trường và văn hóa tâm linh rất cao. Ở góc độ môi trường, đòi hỏi đầu tiên và quan trọng nhất là phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Báo cáo này phải được công khai, minh bạch và nhận được ý kiến phản biện của cộng đồng, các nhà khoa học trong việc xử lý các vấn đề về môi trường, đặc biệt là nước thải và khí thải. Thông thường và về cơ bản thì những dự án như vậy sẽ có “hành lang/bức tường xanh” để cách ly với môi trường xung quanh. Những chi tiết về việc này đều có quy định cụ thể và chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư có thể cung cấp cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp địa phương để họ yên tâm.
“Tuy nhiên, nếu đúng như phản ánh của các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất, vị trí dự án lò hỏa táng chỉ cách nhà máy sản xuất thực phẩm 100 – 200m thì chẳng có “bức tường” (bao gồm cả cây xanh) nào đủ an toàn môi trường đâu. Và ở góc độ là người tiêu dùng thì cảm giác rất phản cảm. Vấn đề cần lưu ý là địa phương tránh trường hợp dự án khởi công xây dựng trước khi có ĐTM và sau đó bổ sung theo kiểu hợp thức hóa hoặc bỏ qua một số vấn đề “nhạy cảm”. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án lò hỏa táng cần công khai ĐTM để chứng minh không tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khác”, TS Long nói.
Cũng theo ông Long, bên cạnh yếu tố môi trường và kinh tế, dự án này còn liên quan đến vấn đề văn hóa và tâm linh của cộng đồng. Chính vì vậy, cần phải có tham vấn cộng đồng địa phương cũng như sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội để có thể đo lường hết những tác động của nó.
Gia Lai là địa phương có quỹ đất rộng, mức độ đô thị hóa chưa cao nên cần có tư duy phát triển dài hạn để quy hoạch cho phù hợp từng thành phần kinh tế xã hội khác nhau, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững cũng như tránh xung đột lợi ích giữa các bên.
Nguy cơ không thu hút được dự án mới, nông dân chịu thiệt
Ông Lưu Quốc Thạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quicornac, đại diện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Trà Đa mở rộng, nói: Nếu dự án lò hỏa táng vẫn được tiến hành sẽ đặt doanh nghiệp vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. “Chúng tôi muốn rời đi thì không có kinh phí mà ở lại sẽ bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bạn sẽ mua sản phẩm mà nếu biết rằng nó đặt cạnh lò hỏa táng? Đặc biệt hơn, chúng tôi ở đây là những doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường cao cấp và nổi tiếng khó tính như: châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…”, ông Thạnh nói.
Theo ông Thạnh, trong thời gian qua đã hoạt động và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của địa phương. “Những doanh nghiệp hiện tại như chúng tôi sẽ rất khó khăn để duy trì hoạt động bình thường… bên cạnh lò hỏa táng. Chúng tôi cũng có thể chắc chắn một điều là trong thời gian tới tại khu công nghiệp này không thể thu hút được thêm sự đầu tư của bất cứ dự án mới nào. Vị trí mà người ta muốn đặt lò hỏa táng đang làm xấu môi trường đầu tư của địa phương ở cả góc độ môi trường tự nhiên và chính sách thu hút đầu tư”, ông Thạnh khẳng định.
Hầu hết các doanh nghiệp cũng khẳng định, ngày nay người tiêu dùng thế giới ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm phải cao và an toàn còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, nhãn xanh sinh thái… Các doanh nghiệp đã tốn rất nhiều chi phí để hướng tới những tiêu chuẩn mới này. Nếu địa phương cho phép đặt lò hỏa táng ở cạnh nơi sản xuất thiệt hại không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà sẽ tác động lan tỏa đến bà con nông dân địa phương. Đây là vấn đề mang tính tổng thể của kinh tế, xã hội và văn hóa mà lãnh đạo địa phương cần phải cân nhắc thấu tình đạt lý.