Xóa bỏ khoảng cách và những khác biệt toàn diện giữa nhân sự nhiều thế hệ, đặc biệt với các bạn trẻ gen Z, từ đó tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp luôn là bài toán khó cho các lãnh đạo.
Lao động gen Z ngày càng chiếm tỉ lệ cao tại các tập đoàn, doanh nghiệp. Đây là thế hệ đang sở hữu nhiều ưu lẫn nhược điểm, nhất là “cái tôi lớn”.
Gen Z nhiều ưu điểm, nhưng cũng đầy nhược điểm
Chủ đề trên là nội dung được bàn thảo nhiều tại hội thảo Xuất sắc toàn diện trong sự đa dạng thế hệ (Holistic Exellence – Generation in Unity), được CareerViet tổ chức vào chiều 5-12 tại TP.HCM. CareerViet là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực giải pháp tuyển dụng và quản lý nhân sự tại Việt Nam.
Bà Tô Thị Thu Thủy, giám đốc nhân sự OPPO Việt Nam, cho hay đang thấy tỉ lệ lao động gen Z dần tăng ở nhiều doanh nghiệp.
Ưu điểm của thế hệ Z là việc được sinh ra trong thời đại công nghệ, từ đó lượng kiến thức, thông tin rất vững. Gen Z giỏi trong sáng tạo và thích nghi, học cái mới rất nhanh, biết cách tìm kiếm kiến thức và sàng lọc thông tin.
Tuy nhiên một ưu điểm vô hình trở thành nhược điểm, thách thức cho gen Z là việc tự tin thái quá, vì thế khó nhận ra được điểm cần cải thiện. Xem nhẹ và không tập trung cải thiện các kỹ năng mềm cũng được bà Thủy nhắc khi nói về lao động trẻ.
“Với gen Z, chỉ cần nhắn một tin, gửi mail xem như đã truyền tải đủ thông tin. Tuy nhiên lao động thế hệ khác muốn trao đổi trực tiếp, bởi làm việc thì không thể cái nào cũng 1 là 1 được, phải phối hợp, bàn bạc nhiều”, bà Thủy cho hay.
Giám đốc nhân sự JOTUN Việt Nam Hoàng Thanh Hải cho biết hiện lao động làm việc nhiều với gen Z tại doanh nghiệp mình vẫn là thế hệ Y.
Ông nhìn ra có nhiều điểm thuận lợi từ gen Z như nhanh nhẹn, học nhanh, làm nhanh, nhạy bén công nghệ. Thế hệ này luôn đặt vấn đề trực diện với lãnh đạo về phúc lợi, lương thưởng, cơ hội thăng tiến…
Việc rượt đuổi các giá trị về lương thưởng khiến các bạn dễ nhảy từ công ty này sang chỗ làm khác. Hệ lụy là có nhiều rủi ro lớn sau này khi không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức lẫn trải nghiệm, chức danh cụ thể nào.
Gen Z tìm kiếm gì khi đi làm?
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nói chính gen Z mang đến những khởi sắc, năng lượng tích cực. Vấn đề cần nhìn nhận ở các bạn trẻ này chính là họ đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào người sếp giỏi.
Hội tụ của một người sếp với ba yếu tố: nhận lãnh mọi trách nhiệm nhưng dám trao và phân quyền, cho nhân viên thấy được giá trị của đôi bên và quyết đoán nhưng không áp chế trong công việc.
“Có nhiều nhân sự nói với tôi rằng các bạn gen Z làm cho họ áp lực”, bà Phạm Thị Quý Hiền, giám đốc nhân sự Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (thuộc Masan Group), nói.
Theo bà Hiền, gen Z đang thiếu kiên nhẫn chờ đợi cơ hội chín muồi để phát triển nghề nghiệp. Từ tham vọng phát triển bản thân là tốt, nhưng chỉ cần sau một dự án hoàn thành, gen Z lại đứng ra hỏi lãnh đạo về việc cân nhắc, cơ hội thăng tiến, tăng lương.
Theo bà Tô Thị Thu Thủy, yếu tố then chốt để tương tác thành công với gen Z là thấu hiểu, phải bắt nguồn từ những thế hệ trước. Hiểu là điều đương nhiên, nhưng biết được các ưu điểm để tận dụng, khai phá, đặt những công việc thuận vào tay nhân sự gen Z là điều cần thiết.
“Gen Z luôn làm tốt những công việc cần sự sáng tạo, mới mẻ nên đưa việc cũng cần chú ý, họ sẽ mang lại sự đột phá mạnh”, bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), chia sẻ ngay cả ban lãnh đạo ngân hàng cũng vô cùng thích thú khi làm việc với gen Z. Mặt tích cực là “rất đa nhiệm và không đi làm chỉ vì tiền”.
“Gen Z dễ bị khủng hoảng, có thể vì họ tiếp cận, chơi mạng xã hội nhiều, trong khi ở đó luôn hiện diện sự tốt đẹp, để rồi chỉ cần mình gặp khó, tiêu cực là khủng hoảng”, ông Hải nhấn mạnh.
Từ khóa để dung hòa các lao động ở nhiều thế hệ lại được ông Hải nhắc là thấu cảm. Thấu cảm ở đây phải là lắng nghe sâu. Phải tạo cho gen Z cảm nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu và thấu cảm, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng lắng nghe. Đặc biệt là không áp đặt gen Z.
Tỉ lệ lao động gen Z tại một số doanh nghiệp
– OPPO Việt Nam có trên 5.000 lao động, trong đó gen Z chiếm 30%, riêng khối bán hàng thì con số này là 50%.
– JOTUN Việt Nam có trên 480 nhân sự thì gen Y chiếm cao nhất với 70%, gen X khoảng 20% và gen Z thấp nhất với gần 9%. Thâm niên làm việc trung bình của lao động khoảng 8 năm, trong đó gen X lại cao nhất với 15 năm, thế hệ Y và Z gần nhau lần lượt với 5 và 3 năm.
– Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (thuộc Masan Group) hiện có khoảng 6.000 lao động, trong đó gen Z chiếm khoảng 21%. Riêng nhóm thương hiệu (marketing) thì lao động gen Z chiếm gần một nửa với 47% nhân sự.
– Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) hiện có khoảng 7.000 nhân sự. Trong đó lao động gen Z chiếm hơn 20%, chủ yếu ở mảng bán lẻ, vận hành.
– Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hiện có khoảng 15.000 lao động, trong đó gen Z chiếm 30%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-viec-voi-gen-z-nhan-su-cac-gen-khac-thay-ap-luc-20241205185437433.htm