Nhưng nếu nhân viên thiếu ý thức, làm việc từ xa dễ dẫn đến giảm năng suất.
Công ty có giờ giấc làm việc linh hoạt giữ chân nhân viên
Dù làm việc tại văn phòng, Huỳnh Điền (29 tuổi, nhân viên một công ty chứng khoán tại quận 1, TP.HCM) cho biết giờ giấc của anh linh hoạt. Chuyện anh không lên công ty trong vài ngày là bình thường.
“Có những lúc tôi đi gặp khách hàng trao đổi công việc, hoặc các trường hợp đau ốm, du lịch… Miễn là hiệu quả công việc, KPI đảm bảo”, anh nói.
Từng làm vài công ty trước khi gắn bó với nơi hiện tại, Điền chia sẻ anh ưa thích việc hiện tại một phần là vì có thể chủ động thời gian làm việc.
Còn với Đình Nguyên (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), do đặc thù công việc sáng tạo nội dung có thể làm online, vài lần anh đã xin làm việc ở nhà vài ngày.
Trong kỳ nghỉ lễ 2-9 mới đây, ngày cuối của kỳ nghỉ là thứ ba, anh nhắn sếp cho làm ở nhà đến hết tuần.
Dịp Tết, anh làm online trước từ 2 – 3 ngày để chuẩn bị về quê, tránh khi mọi người nghỉ về quê đồng loạt sẽ chịu cảnh kẹt xe.
Khi nào nên cho nhân viên làm việc ở nhà?
Theo Đình Nguyên, giờ giấc làm việc tùy tính chất công việc và cách thức hoạt động của mỗi công ty.
Có công ty giám sát nhân viên đi trễ qua hệ thống check-in từng phút, nhưng cũng có công ty du di. Vì có thể đêm hôm trước nhân viên chạy deadline, ngủ muộn nên sáng dậy trễ.
Tương tự, một số công ty áp dụng hình thức làm từ xa một số ngày trong tuần, có ngày lên công ty, xen kẽ nhau.
Anh nghĩ các công ty cũng nên linh hoạt cho nhân viên làm ở nhà trong những ngày mưa gió, kẹt xe…, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Vì có thể tới công ty xong, họ không còn năng lượng làm việc nữa.
Tuy nhiên, làm việc ở nhà trong thời gian dài sẽ giảm năng suất do ù lì, trừ những người làm việc cho công ty nước ngoài. Ở nhà thoải mái nhưng dễ tạo cảm giác lười.
Và quan trọng là khi có kế hoạch hay dự án nào đó, việc trao đổi với đồng nghiệp và sếp qua chat, gọi video không thực sự hiệu quả hơn trao đổi trực tiếp.
Với Huỳnh Điền, anh nhận thấy câu chuyện các công ty quy định giờ giấc, làm tại văn phòng hay từ xa là tùy tính chất công việc. Công việc nào tập trung vào kết quả hơn sự có mặt thì thường sẽ linh hoạt giờ giấc. Các công việc sáng tạo, theo dự án, hoặc có thể hoàn thành độc lập sẽ phù hợp.
Ngược lại, có những công việc yêu cầu tuân thủ khung giờ làm việc cố định để đảm bảo sự liên tục. Người lao động cần có mặt tại văn phòng, như trong sản xuất, dịch vụ khách hàng, y tế, giáo dục, và các ngành nghề liên quan an ninh, vận tải.
Theo Điền, việc lên công ty 6 – 7 ngày mỗi tuần nếu công việc không mang tính vận hành liên tục thì không cần thiết. “Sự linh hoạt có thể giúp tăng năng suất, giảm stress và tạo môi trường làm việc hài lòng hơn cho nhân viên. Nếu được, có thể kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và từ xa để cân bằng cuộc sống, công việc”, anh chia sẻ.
Làm việc từ xa có thể tăng độ tập trung do tự sắp xếp không gian làm việc. Như vậy không bị ồn ào hoặc nhiều sự phân tâm như ở văn phòng. Làm từ xa giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và năng lượng, có thể làm việc vào thời gian họ cảm thấy hiệu quả nhất.
Phải đảm bảo hiệu quả công việc, tránh ở nhà sải lai
Theo thạc sĩ Lê Anh Tú, giám đốc điều hành iGem Agency, câu chuyện Công ty Amazon thông báo nhân viên không làm việc từ xa tuy nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản công ty này làm đúng theo quy định.
Làm việc tại trụ sở hay làm việc từ xa là đặc thù từng ngành. Có những mô hình doanh nghiệp cần tập trung nhân sự nhiều hơn, cần có sự trao đổi, thông tin liên tục giữa các cơ sở, kho bãi, nhà máy…
Tuy nhiên, một số ngành khác đòi hỏi sự sáng tạo, ra ngoài gặp gỡ đối tác… không nhất thiết bắt buộc phải có mặt thường xuyên. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, nhiều nơi thay đổi thói quen làm việc.
Anh Tú chia sẻ: “Với những công ty khởi nghiệp không thuê trụ sở cố định, việc nhân viên làm từ xa là khả thi. Miễn sao đảm bảo sự trao đổi thông tin, kết nối và hiệu quả công việc”.
Cũng có câu chuyện một số bạn trẻ không thích sự gò bó, muốn giờ giấc làm việc linh hoạt. Thậm chí các bạn không chấp nhận công việc yêu cầu giờ giấc cụ thể có mặt ở công ty.
Nhưng nếu không có sự kết nối và không đảm bảo được hiệu suất công việc, việc quá tự do cũng là điều cần lưu ý.
Theo anh Tú, ở công ty anh, tuy quy định nhân viên có mặt mỗi ngày nhưng không quá gắt gao việc phải có mặt và ra về đúng giờ.
“Giữa nhân viên và quản lý có sự tôn trọng nhau. Khi đi trễ hoặc có việc cần về sớm thì nên thông báo, đừng để tình trạng quản lý không biết mình đi đâu, làm gì”, anh nói.
Làm từ xa cần báo cáo công việc cụ thể mỗi ngày
Theo Huỳnh Điền, làm việc từ xa cũng có thể dẫn đến giảm năng suất. Khi không có sự giám sát trực tiếp, một số bạn khó duy trì kỷ luật. Các bạn dễ phân tâm bởi yếu tố gia đình, thú cưng hoặc công việc nhà. Và thiếu tương tác xã hội, thiếu động lực…
Còn theo chị Nguyễn Phượng, chuyên viên nhân sự một công ty vận tải tại quận 7, công ty chị áp dụng làm việc tại văn phòng từ 8h – 17h30 mỗi ngày. Thi thoảng có vài trường hợp làm việc tại nhà trong vài ngày, về quê…
Công ty chị Phượng không trừ lương nếu nhân viên đi trễ. Việc cho phép làm việc từ xa cũng tùy thuộc từng vị trí công việc. Tuy nhiên người quản lý nên yêu cầu nhân viên có mặt bao nhiêu buổi/tuần để tiện họp giao ban hoặc trao đổi.
Nếu cho phép làm việc từ xa, cấp quản lý cần có kế hoạch rõ ràng cho nhân viên, yêu cầu báo cáo hoặc hoàn tất công việc cụ thể mỗi ngày ra sao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-viec-tu-xa-hay-toi-co-quan-ngay-mua-gio-ket-xe-nen-cho-nhan-vien-o-nha-20240920162145406.htm