UBND TP.HCM cho rằng, tuyến đường sắt xuyên tâm An Bình – Bình Triệu – Sài Gòn (Hòa Hưng) – Tân Kiên sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
TP.HCM: Làm tuyến đường sắt xuyên tâm nội đô có ảnh hưởng, tác động xã hội lớn
UBND TP.HCM cho rằng, tuyến đường sắt xuyên tâm An Bình – Bình Triệu – Sài Gòn (Hòa Hưng) – Tân Kiên sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý về các nội dung góp ý trong hồ sơ Quy hoạch đường sắt đầu mối Thành phố.
Để đảm bảo tính khả thi, UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải cập nhật các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đang triển khai có liên quan dọc tuyến. Trên cơ sở đó đánh giá đầy đủ các nội dung theo đề nghị của TP.HCM trước đó.
Được biết Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam gửi Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất thực hiện tuyến đường sắt xuyên tâm này.
Tuyến đường sắt xuyên tâm qua nội ô TP.HCM sẽ tác động xã hội lớn |
Tuy nhiên ý kiến này chưa được quan tâm đầy đủ, đặc biệt về bố trí chiều rộng mặt cắt ngang (theo cấp kỹ thuật) của các tuyến đường sắt trong Quy hoạch đường sắt đầu mối chưa có sự thống nhất với mặt cắt ngang của các tuyến đang được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi qua địa bàn Thành phố (gồm: đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành…).
Trong khi đây là nội dung rất quan trọng để có thể triển khai các quy hoạch và dự án, công tác quản lý quỹ đất và thu hồi đất cho xây dựng công trình đường sắt, nên cần được quan tâm đầy đủ, nghiêm túc.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các đơn vị Tư vấn lập quy hoạch, lập dự án cùng rà soát, thống nhất về quy mô mặt cắt ngang của các tuyến đường sắt trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, theo hồ sơ Quy hoạch đường sắt đầu mối chỉ thể hiện phạm vi dự kiến chiếm dụng đất của các ga đầu mối, chưa thể hiện phạm vi dự kiến chiếm dụng đất của các ga và trạm khách thông thường; một số ga tuy có bố trí quảng trường ga nhưng cũng không thể hiện các kích thước, cũng như đề xuất phương án tổ chức kết nối giao thông vào các đường phố đô thị được quy hoạch trong khu vực đô thị xung quanh.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tư vấn Quy hoạch đường sắt đầu mối bổ sung các nội dung cần thiết nêu trên vào hồ sơ, bản vẽ, để Thành phố có đủ cơ sở đánh giá, góp ý thêm. Đồng thời, các công trình tuyến, ga khi được xác định cụ thể các phạm vi, kích thước liên quan, sau khi Quy hoạch đường sắt đầu mối được thông qua, sẽ là cơ sở để tiếp tục xây dựng hồ sơ cắm mốc giới quy hoạch và tổ chức quản lý hiệu quả quỹ đất dành cho giao thông đường sắt theo đúng quy hoạch được duyệt.
Nguồn: https://baodautu.vn/tphcm-lam-tuyen-duong-sat-xuyen-tam-noi-do-co-anh-huong-tac-dong-xa-hoi-lon-d235810.html