Quỹ phụ huynh ngày một phình to: Bất thường và bất bình!
Cứ bước vào năm học mới, nỗi lo về gánh nặng đóng góp lại đè nặng lên vai phụ huynh. Có một thực tế, học phí hiện không đáng lo, phụ phí mới thực sự đáng sợ. Các khoản phụ phí đang khiến nhiều phụ huynh phải oằn mình cõng trên danh nghĩa nhà “tài trợ giáo dục”.
Tại TP.HCM, lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà đã phải hoàn trả cho phụ huynh gần 250 triệu đồng do lạm thu. Theo đó, mỗi phụ huynh của lớp học này phải đóng 10 triệu đồng tiền quỹ/người. Và chỉ chưa đầy 1 tháng, lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà cũng đã tiêu hết hơn 260 triệu đồng tiền quỹ. Trong đó, có những khoản chi lớn cho việc sửa chữa phòng học. Tại Hà Nội, mặc dù không phục vụ cho việc đầu tư mua sắm cơ sở vật chất nhưng quỹ cha mẹ học sinh lớp ở lớp 12 Văn, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) cũng phình to bất thường. Theo đó, mỗi phụ huynh học sinh của lớp học này đóng 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh.
Câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều lớp lại thu tiền quỹ phụ huynh lớn như vậy. Các khoản thu sẽ được xử lý thế nào. Theo đó, lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà mỗi phụ huynh đóng 10 triệu đồng quỹ lớp là để sử dụng vào việc sửa chữa các hạng mục lớp học như làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt, tủ. Trong khi, hiện trạng lớp học, nhà trường đã trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt,…. nhưng phụ huynh vẫn có nguyện vọng cải tạo lớp học khang trang và đầy đủ tiện nghi để con em được học suốt 5 năm học.
Trên thực tế, ngoài việc thu chi để đầu tư trang bị thêm cơ sở vật chất lớp học thì những khoản chi cho giáo viên cũng khiến quỹ lớp phình lên. Bản kế hoạch thu chi của lớp 9/10 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trong năm 2022 – 2023 là một minh chứng rõ nét. Theo đó, ban phụ huynh của lớp đã liệt kê 32 nội dung cần chi tiền. Trong đó, riêng tiền quà 20/11 cho các giáo viên là 21 triệu đồng. Cụ thể: tặng giáo viên chủ nhiệm 3 triệu đồng; tặng cô bảo mẫu 1 triệu đồng; tặng 16 giáo viên bộ môn 16 triệu đồng (mỗi người 1 triệu đồng); tặng thầy hiệu trưởng 2 triệu đồng; tặng 2 cô hiệu phó 2 triệu đồng (mỗi người 1 triệu đồng). Phần dự chi quà tết cho thầy cô cũng lên đến 27 triệu đồng, gồm: 3 triệu cho giáo viên chủ nhiệm; 1 triệu cho cô bảo mẫu; 16 triệu đồng cho 16 giáo viên bộ môn (mỗi người 1 triệu đồng); 7 triệu đồng cho 14 nhân viên của trường (4 vệ sinh, 3 bảo vệ, 4 giám thị, 1 văn thư, 1 y tế, 1 nhập liệu) mỗi người 500.000 đồng.
Bao giờ mới hết lạm thu?
Lý giải cho việc phát sinh lạm thu, chia sẻ với báo chí ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, có nhiều điều dẫn tới lạm thu trong các trường học hiện nay. Trước hết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số các trường học cần đầy đủ về cơ sở vật chất. Thế nhưng hiện nay, các trường học từ thành phố đến nông thôn, từ nơi có điều kiện đến nơi không có điều kiện, đang thiếu được đầu tư cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số.
Ngoài ra, do thời tiết khắc nghiệt, nên việc trang bị máy lạnh và các thiết bị làm mát cho phòng học là cần thiết. Đây là nhu cầu đáp ứng cho học sinh, người lớn phải có trách nhiệm. Thế nhưng, trong hạng mục mua sắm từ ngân sách nhà nước những thứ này không có. Thêm nữa để phát triển một công dân toàn cầu, đặc biệt là các môn học tiếng Anh đòi hỏi phải có phòng máy, phần mềm, hay phòng tin học để dạy tin học quốc tế… Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước cấp chưa đáp ứng được những điều này, buộc các trường học phải xã hội hóa. Vì vậy, đến đầu năm học trong bối cảnh trường xuống cấp, điều kiện dạy học thiếu thốn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các trường buộc phải vận động phụ huynh đóng góp.
Ở góc nhìn khác, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm Lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, để xảy ra lạm thu do việc xử lý kỷ luật không nghiêm minh và ông cũng cho rằng nên nghiêm cấm nhà trường, giáo viên, Ban phụ huynh đứng ra huy động các khoản đóng góp xã hội hóa lúc đó sẽ chấm dứt được làm thu.
Quy định thu chi không rõ ràng nên dễ bị lợi dụngTheo các chuyên gia, việc lạm thu hầu như năm học nào cũng xảy ra, ngày càng biến tướng với nhiều khoản thu, chi bất hợp lý. Nguyên nhân được cho là do các quy định về thu, chi không được quy định rõ ràng nên dễ dàng bị lợi dụng để lạm thu, lạm chi, dễ dẫn đến giữa việc xã hội hóa giáo dục và lạm thu quỹ lớp được “đánh đồng” với nhau. Do đó, cần rà soát các văn bản quy định về thu, chi quỹ lớp trong nhà trường; ban hành văn bản quy định cụ thể các khoản thu, cũng như các khoản chi mang tính tự nguyện, thu hộ cho nhà trường. Việc thu, chi và kinh phí hoạt động của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên. |
Theo đó, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vấn đề lạm thu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đều có ý kiến và có văn bản chỉ đạo nhưng vẫn có tình trạng năm nào cũng xuất hiện lạm thu. “Để lạm thu thì hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm. Hiện chúng ta vẫn làm chưa rõ vấn đề này. Việc xử lý lạm thu mới chỉ dừng lại phê bình, nhắc nhở. Cần phải cho hiệu trưởng mất chức khi xảy ra lạm thu” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Tùng Lâm còn cho rằng, những giáo viên nào tự ý làm cũng phải xử lý một cách nghiêm. Ban đại diện phụ huynh – những người có trách nhiệm cũng phải có hình thức xử lý để tránh a dua. “Xử lý như hiện nay, thu sai trả lại phụ huynh là xong thì dễ bị nhờn luật. Lạm thu sẽ tái diễn nữa” – Thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. Cuối cùng, vị chuyên gia này cho rằng để chấm dứt vấn nạn này cần cấm việc huy động tiền thông qua hội phụ huynh, nhà trường và giáo viên.
“Phải giao trách nhiệm huy động xã hội hóa giáo dục cho địa phương. Chính quyền địa phương phải trực tiếp thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường, khoản nào cần huy động xã hội hóa thì địa phương đứng ra kêu gọi đóng góp của xã hội. Còn phía nhà trường, giáo viên, Ban Phụ huynh không được tham gia huy động đóng góp. Chỉ như thế thì lạm thu mới chấm dứt trong trường học” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.
Qua trao đổi có thể thấy, việc huy động xã hội hóa cho giáo dục là nguồn gốc của lạm thu gây nhức nhối. Do đó, để phòng tránh việc lạm thu cần thiết phải cấm nhà trường, giáo viên, hội phụ huynh huy động đóng góp xã hội hóa mà việc này nên giao hẳn cho chính quyền địa phương.
Trinh Phúc