Làm theo gương Bác, nông dân vượt khó vươn lên
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân (HND) tỉnh Đỗ Thiện Chế, qua 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) ngày 18.5.2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua của Hội, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nâng cao.
HND tỉnh tặng bằng khen cho các điển hình nông dân học tập và làm theo gương Bác giai đoạn 2021 – 2023. Ảnh: N.H |
Hằng năm, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức cho hơn 120 nghìn hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và 150 nghìn hộ đăng ký cam kết sản xuất hàng hóa nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua bình xét cuối năm 2022, toàn tỉnh có 68.534 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương có 61 hộ, cấp tỉnh 1.336 hộ, cấp huyện 9.478 hộ và cấp cơ sở 57.650 hộ.
Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình học tập và làm theo gương Bác trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; trang trại, gia trại sản xuất, kinh doanh hàng hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT; nông dân nói không với thực phẩm bẩn… Đặc biệt, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội trong tỉnh đã vận động hội viên đóng góp hơn 9,7 tỷ đồng; 12.053 ngày công; hiến 118.162 m2 đất; làm mới và sửa chữa, bê tông hóa hơn 10.391 km đường giao thông nông thôn; đào đắp 10.672 m3 đất, kiên cố hóa, sửa chữa 203 km kênh mương nội đồng; làm mới, sửa chữa 107 cây cầu, cống; xây dựng 569 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; 9.324 bể chứa rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng. Vận động hội viên quyên góp, hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng, 3.879 ngày công để giúp đỡ 1.391 hộ nghèo và hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho 114 hộ nghèo…
Học Bác ở đức tính sáng tạo trong lao động, thời gian qua, ông Trần Ngô Thẩm (phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) là một trong những nông dân điển hình trong chăn nuôi bò lai, mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng. Ông Thẩm cho biết: “Tôi quyết tâm thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang nuôi quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 100 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, thường xuyên nuôi 30 – 40 con bò lai giống 3B. Từ mô hình này đã cho tôi nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình và có lợi nhuận để tích lũy”.
Còn ông Nguyễn Xuân Ánh (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) đã học Bác ở đức tính năng động, vượt khó vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê mình bằng cách trồng điều, keo lai và chăn nuôi bò, gà. Ông Ánh chia sẻ: “Trong sản xuất nông nghiệp cần phải đầu tư thâm canh thỏa đáng thì mới mong cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả cao. Từ suy nghĩ đó, tôi mạnh dạn thay đổi cách thức làm ăn, mở rộng quy mô đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện tại, tôi có diện tích sản xuất rộng 10 ha, trồng điều ghép, keo lai, kết hợp chăn nuôi bò lai và thả gà dưới tán điều. Với mô hình này, mỗi năm tôi có mức lợi nhuận hơn 350 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Trượng, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Điều đáng quý của nông dân Bình Định trong học và làm theo gương Bác chính là ý chí tự lực, tự cường, khát vọng tự vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, thời gian qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, có sức lan tỏa rộng.
N. HÂN