Chủ trương lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Chiều 26/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Làm thế nào đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?”.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Ngày 12/8, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Đây là chủ trương vô cùng lớn để chúng ta thực hiện mục tiêu đang xác định là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Tuy nhiên, từ mục tiêu, mong muốn cho đến kết quả thực tế đang còn nhiều hạn chế. Hạn chế rõ nhất là việc dạy và học trong các trường. Có thể nói rằng, kết quả chưa phải là cao, thậm chí ở nhiều địa bàn, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhóm đối tượng, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung và dạy Tiếng Anh còn rất thấp…
GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, có một số lý do thôi thúc ông viết tâm thư gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề xuất việc cần phải có quốc sách đối với việc dạy và học Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Theo GS Trần Văn Nhung, năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Khi có Chỉ thị này, chúng ta đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội để phát triển công nghệ thông tin. Và sau 1/4 thế kỷ, có thể nhận thấy những bước tiến ngoạn mục về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam. Do đó, nếu có một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW dành cho ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh thì Tiếng Anh sẽ “khỏe dần”.
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, việc giảng dạy Tiếng Anh tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Một số quy định khung pháp lý liên quan đến ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng đã được ban hành. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ năm 2018, Tiếng Anh được đưa vào tổ chức đào tạo từ lớp 1-12, tạo sự liền mạch, liên thông, tạo đà cho việc giảng dạy Tiếng Anh ở các trường, tạo tính hệ thống, nhất quán. Bên cạnh đó, rất nhiều giáo viên được tham gia chương trình tập huấn phát triển năng lực, phương pháp giảng dạy Tiếng Anh. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc dạy học Tiếng Anh ở trường phổ thông, từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Cần thực hiện theo lộ trình, không nóng vội
Theo GS.TS Trần Văn Nhung, để đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào vấn đề chúng ta thực hiện ở các vùng khó khăn thế nào. Đơn cử, ở thành phố lớn như Hà Nội, Tiếng Anh có thể được xem là ngôn ngữ thứ hai tại trường học, nhưng ở các tỉnh vùng cao, vùng khó, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, Tiếng Việt còn chưa thạo nên đầu tiên phải học Tiếng Việt, sau đó đến tiếng dân tộc của họ, Tiếng Anh đứng ở vị trí thứ ba.
Bên cạnh đó, Chương trình quốc gia về từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, muốn phát triển được, phải có tỉnh đi trước. Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh, sau đó là các môn Khoa học xã hội. Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn Tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc…
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cũng cho rằng, để đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cần thực hiện từng bước theo lộ trình, không nóng vội. Trước hết thí điểm ở các thành phố lớn, nơi có đủ điều kiện, còn với trường vùng sâu vùng xa chưa nên đặt vấn đề này vội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nhấn mạnh một số điều kiện cần và đủ để chính sách này có thể thực sự đi vào cuộc sống.
Theo bà Hoa, đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; phải có chính sách và chiến lược, chính sách này không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án, phải có nguồn lực bởi không có tiền, chúng ta không thể làm được.
Mặt khác, muốn đưa Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, rõ ràng là phải có giáo viên dạy. Điều này phải bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, chứ không phải là giáo viên phổ thông.
Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể dạy chay, không thể học chay, chúng ta phải có những phòng học bộ môn, những phương tiện, phải đưa công nghệ vào hỗ trợ. Điều này phải có sự đầu tư và phải có tính ưu tiên.
Cuối cùng, theo bà Hoa, phải có những đề án cải cách thi cử, để có được sự đồng bộ trong tất cả giải pháp, thực hiện hiệu quả chủ trương đưa Tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
H. Thanh
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/lam-the-nao-de-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc–i745288/