Kinhtedothi – Du lịch Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi khi lượng khách cao cấp tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện việc hút tệp khách quốc tế cao cấp này của du lịch Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có.
Thị trường tỷ USD
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc Gia cho thấy, năm 2023 quy mô thị trường du lịch hạng sang (luxury tourism) toàn cầu đạt trên 2.100 tỷ USD, dự kiến đạt trên 3.000 tỷ USD vào năm 2032.
Với thị trường Việt Nam trong 9 tháng qua đã đón được 12,7 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến của các vị khách tỉ phú thế giới như Ấn Độ đến khám phá, nghỉ dưỡng, tổ chức đám cưới. Cuối tháng 8/2024, Việt Nam đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến du lịch, tổ chức hội thảo.
Theo Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, trước đây du lịch cao cấp chỉ hướng đến một số ít đối tượng nhưng giờ đã mở rộng tới nhiều tệp khách hàng hơn. Thay vì được đi đến nhiều nơi, du khách quan tâm nhiều hơn đến những trải nghiệm có chiều sâu, mang tính cá biệt hóa cao trong hành trình.
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh tế thế giới Oxford Economics, khách cao cấp quan tâm đến chất lượng dịch vụ độc đáo, mang tính cạnh tranh cao. Đại diện Công ty Oxford Economics Liam Cordingley thông tin, đại dịch Covid-19 thay đổi đáng kể nhu cầu của khách du lịch theo hướng du khách cần nhiều giá trị hơn cho mỗi chuyến đi. Đây là lý do ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch cao cấp với mong muốn được hưởng thụ những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo và đẳng cấp.
“Chỉ riêng trong lĩnh vực ẩm thực, du khách sẵn sàng chi trả thêm 10% phí dịch vụ cho những dịch vụ cao cấp. Thực tế, du khách có thể chi 250 USD/ngày cho những phục vụ trải nghiệm dịch vụ cao cấp”- ông Liam Cordingley nêu rõ.
Thực tế phục vụ khách nội địa của du lịch Việt Nam thời gian qua cho thấy không chỉ du khách quốc tế mới có nhu cầu du lịch hạng sang mà người dân Việt Nam cũng có nhu cầu tương tự bởi thu nhập cũng ngày càng tăng. Điều này cũng mang đến cơ hội cho ngành du lịch phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, thu hút các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nói về tiềm năng thu hút du khách cao cấp, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách cao cấp như truyền thống văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng. Đồng thời cũng có nhiều danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long và các bãi biển đẹp hàng đầu thế giới .
Nâng chất lượng để hút khách
Theo các chuyên gia du lịch mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch cao cấp nhưng để mời gọi được lượng khách này đến đòi hỏi sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao.
Thông tin về việc thu hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: khách du lịch cao cấp là đối tượng mà ngành du lịch Thủ đô hướng tới bằng cách tận dụng thế mạnh là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, sản phẩm du lịch đa dạng ngoài các điểm tham quan, trải nghiệm văn hóa, sản phẩm du lịch MICE, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Hà Nội đang đáp ứng được nhu cầu của dòng khách cao cấp này.
“Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung thu hút, xây dựng khách sạn cao cấp 4-5 sao; Nâng cấp điểm đến du lịch có chất lượng cao; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng phục vụ tốt và đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch để thúc đẩy thu hút dòng khách quốc tế phân khúc cao cấp”- ông Trần Trung Hiếu nêu rõ.
Để thu hút phân khúc khách cao cấp, tệp khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, cá nhân hóa đến Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl, bà Ngô Thị Hương chia sẻ, với phân khúc cao cấp, khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, cá nhân hóa. Chính vì vậy, Vinpearl hướng tới mục tiêu một điểm nhưng đến đa trải nghiệm, đặc biệt là những trải nghiệm lần đầu tiên có ở Việt Nam nhất là du lịch xanh như mô hình Vinpearl Safari Phú Quốc, Vinpearl River Safari Nam Hội An…
“Để thu hút khách du lịch cao cấp đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm xây dựng những sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ, du lịch xanh, du lịch bền vững. Tùy từng đối tượng khách, cần có những sản phẩm mang tính “may đo” cho khách. Chẳng hạn khách Hàn Quốc thích du lịch golf thì cần phải có chính sách quảng bá, xây dựng sản phẩm golf chất lượng cho dòng khách này”- bà Ngô Thị Hương hiến kế.
Đại diện Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford Liam Cordingly cũng khuyến nghị, ẩm thực là một trong những yếu tổ hút khách du lịch cao cấp, vì vậy du lịch Việt Nam nên chú trọng phát triển trải nghiệm ẩm thực cao cấp, gồm cả xây dựng chuỗi cung ứng thiết yếu trong và ngoài nước, qua đó nâng chất lượng trải nghiệm du lịch.
Đóng góp giải pháp cho du lịch Việt Nam hút khách cao cấp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ phát triển cho một số sản phẩm du lịch mới, có khả năng thu hút du khách quốc tế hạng sang như du lịch golf…
“Riêng năm 2019, trong số 5 triệu du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, thì có tới hơn 1 triệu khách đến để chơi golf, giúp doanh thu du lịch tăng thêm từ 2-3 tỷ USD. Vì thế, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những người chơi golf là du khách quốc tế (từ 20% xuống 10% hoặc 5%) để nâng cao khả năng hút khách cao cấp cho du lịch Việt Nam” – ông Bình đề xuất
Bổ sung các giải pháp thu hút khách, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách cao cấp; Chú trọng yếu tố độc đáo, cá biệt, sự tinh tế trong phong cách phục vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng tiêu chuẩn phục vụ khách cao cấp; Xúc tiến quảng bá đi sâu vào từng thị trường, từ đó, định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho dòng khách cao cấp.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lam-the-nao-de-thu-hut-khach-du-lich-cao-cap-toi-viet-nam.html