Hơn 50 đại biểu trong cả nước đã tham dự hội thảo khoa học ‘Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam’.
Hiện nay, đề án phát triển khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xây dựng nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước.
Theo TS Nguyễn Quân – nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Quy Nhơn – Bình Định có những luận cứ, tiền đề rất thuận lợi để xây dựng thành trung tâm khoa học, đô thị khoa học của cả nước.
Mấu chốt của khu đô thị khoa học là hệ sinh thái của một đô thị khoa học: Những cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức dịch vụ: trường học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi giải trí, bảo tàng khoa học… để phục vụ khu đô thị khoa học đó.
Tất cả các tổ chức dịch vụ ấy đều có hàm lượng khoa học. Một bệnh viện ở đây không phải là bệnh viên thông thường, mà là bệnh viện có những trang thiết bị công nghệ cao và các cán bộ có trình độ khoa học cao.
Thứ hai là phải có nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Để làm được việc này thì ngoài đào tạo từ các trường đại học công nghệ, tự đào tạo, chúng ta phải có chính sách thu hút nhân tài từ khắp nơi trong và ngoài nước về đây, gắn bó lâu dài với Quy Nhơn, Bình Định.
Thứ ba là tập trung xây dựng hệ thống đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và cho xây dựng đô thị khoa học.
Theo ông, Bình Định đang có tiền đề rất thuận lợi là Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), khu Trung tâm Khám phá khoa học – một hình thức bảo tàng khoa học duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này.
“Trước mắt chúng ta hãy xây dựng khu Quy Hòa này là một khu đô thị khoa học, và sau đó mở rộng ra là thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học”, TS Quân nói.
Theo GS Trần Thanh Vân, Bình Định có rất nhiều tiềm năng để xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam. Cảnh quan ở đây rất đẹp, cuộc sống thân thiện, môi trường yên bình rất phù hợp các nhà khoa học vì làm khoa học rất cần sự yên tĩnh, tránh xa sự ồn ào.
Các nhà khoa học thế giới đến đây đều đánh giá người dân Bình Định rất thân thiện, vui vẻ, tạo cho họ thiện cảm đặc biệt. Đây là một cảm xúc rất tích cực khiến họ muốn gắn bó với mảnh đất này.
“Để xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam thì người lãnh đạo phải quyết liệt, dám nói dám làm và cần phải có thời gian thực hiện. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc xây dựng nói trên”, GS Vân chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-the-nao-de-quy-nhon-thanh-thanh-pho-khoa-hoc-dac-trung-cua-viet-nam-20240705212544729.htm