Đoàn Mạnh Hà.jpg
Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Bkav AI. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Bkav AI, nêu vấn đề này tại Tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” do báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức sáng 22/5.

Cần tiêu chuẩn để quản lý dữ liệu AI sinh ra

Theo ông Đoàn Mạnh Hà, sắp tới, camera sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nhiều, sẽ nảy sinh bài toán về kiểm soát dữ liệu mà AI nhận diện được. Do đó, cần có thêm những tiêu chuẩn về dữ liệu để quản lý dữ liệu mà AI sinh ra, từ đó giúp bảo đảm an toàn dữ liệu cho người dùng.

Khi hệ thống sử dụng hàng triệu camera mà tất cả đều tích hợp AI, việc bảo vệ dữ liệu là một điểm cần tính toán, đưa vào “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” hiện đang được Cục An toàn thông tin chủ trì xây dựng.

Ông Hà cũng cho biết camera của Bkav AI đã đáp ứng hoàn toàn bộ tiêu chí mà Bộ TT&TT vừa ban hành. Trên nền tảng cloud, Bkav đảm bảo dữ liệu người dùng đã mã hóa, bảo đảm yếu tố xác thực nhiều lớp. Bkav tự chủ hệ thống VMS. Toàn bộ phần dữ liệu của người dùng trên camera, server, cloud được đảm bảo ở server Bkav, được tự chủ hoàn toàn.

Vũ Nguyệt Lan.jpg
Bà Vũ Nguyệt Lan, CTO Công ty cổ phần MK Vision. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đồng quan điểm, bà Vũ Nguyệt Lan, CTO Công ty cổ phần MK Vision, cho rằng khi đã có bộ tiêu chí, các doanh nghiệp trong nước có thể “đi cùng nhau” để phát triển camera Make in Viet Nam. Khi đã có hệ thống camera theo tiêu chí của Việt Nam, cơ sở dữ liệu ở Việt Nam và đội ngũ kỹ sư Việt Nam, việc tích hợp các hệ thống với nhau rất dễ dàng. 

Khi nói cùng một ngôn ngữ, việc hỗ trợ sẽ đơn giản hơn, việc áp dụng camera vào nhà thông minh, thành phố thông minh là tương lai gần, có thể nhìn thấy lộ trình, không còn mông lung mỗi bên đi một hướng. 

AI là lợi thế cho doanh nghiệp Việt

Theo bà Vũ Nguyệt Lan, hệ thống AI là học máy, phải có dữ liệu để học. Khi có hệ thống camera đủ rộng, có thể lấy dữ liệu để cho máy học, riêng cho thị trường Việt Nam. Do đó, camera AI có thể xem như một bộ thu thập dữ liệu AI cho Việt Nam. 

Hiện nay, các công ty nghiên cứu AI chủ yếu là công ty nước ngoài vì họ có dữ liệu lớn. Việc áp dụng dữ liệu này cho camera Việt Nam không khớp vì con người và cảnh vật Việt Nam khác với nước ngoài. Khi có tập dữ liệu của mình, có thể đưa ra hệ AI của riêng Việt Nam.

“Không có lý do gì để nghi ngờ vì tiềm lực của Việt Nam rất lớn, người Việt Nam thông minh và chăm chỉ, có sự thống nhất ở nội bộ. Về thị trường camera hiện tại ở Việt Nam, khoảng hơn 90% là camera Trung Quốc do thị trường trong nước còn ít. Nếu có camera logo Việt Nam, người dùng sẽ yên tâm hơn”, bà Lan nhấn mạnh.

Võ Đức Thọ.jpg
Ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Hanet Technology. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Hanet Technology, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều có nền tảng riêng, như Viettel, VNPT, Hanet… không dùng nền tảng của nước ngoài. Về bộ tiêu chí liên quan đến dữ liệu AI, tất cả dữ liệu để đáp ứng tiêu chí đều cần phải có máy chủ tại Việt Nam. 

“Lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất camera là liên quan đến AI, tích hợp AI vào camera, làm các nghiệp vụ mà các hãng nước ngoài chưa làm, tạo sự khác biệt trên thị trường”, ông Thọ nói.

Ngày 7/5, Bộ TT&TT ban hành “Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” và khuyến nghị áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera. Dự kiến, trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”. Sau khi có quy chuẩn, Bộ sẽ hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn tiến hành đánh giá và công bố hợp quy cho các thiết bị theo quy định.