Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Báo cáo chính trị) và nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, dự thảo Báo cáo chính trị đang được xây dựng gồm 2 phần. Phần thứ nhất nói về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024; được đánh giá rất sâu sắc, sát với tình hình của các địa phương, bổ sung các kết quả thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên, cùng nhiều kết quả nổi bật khác trong công tác Mặt trận.
Bên cạnh đó, phần thứ 2 của Báo cáo chính trị đã xác định các phương hướng, mục tiêu theo hướng bám sát chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát yêu cầu đổi mới về công tác Mặt trận trong tình hình mới, có thêm những đột phá, điểm nhấn và những nội dung thể hiện tính đặc thù của Mặt trận, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở kế thừa nhiệm kỳ trước, Báo cáo chính trị tiếp tục phát triển 5 chương trình hành động đã được thực hiện. Để làm rõ thêm hoạt động của MTTQ hướng về cơ sở, có mục tiêu rõ ràng trong việc xây dựng các khu dân cư ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nền tảng cho xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, chương trình hành động thứ 6 về “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” đã được nghiên cứu, xây dựng và đưa vào nội dung dự thảo Báo cáo chính trị.
Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học với kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác sẽ tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào từng nội dung cụ thể, góp phần hoàn thiện nội dung về kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024, đánh giá tính khả thi trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam. Các ý kiến đã thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, chỉ ra những kết quả cần tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ tới, những hạn chế cần khắc phục.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, mục III trong Báo cáo chính trị về “Nhìn lại 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng” nên đánh giá thêm vai trò của MTTQ Việt Nam về hòa giải dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ IX đến nay. Cùng với đó là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong 10 năm gần đây thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch thông tin trong hoạt động giám sát của MTTQ các cấp và nhân dân. Mục này cũng cần nêu được việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước của MTTQ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo, chăm lo lợi ích thiết thực chính đáng của người dân trong cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Báo cáo chính trị nên đề ra 5 chương trình hành động là phù hợp, còn chương trình 6 nên gắn với chương trình 3, đưa một số nhiệm vụ, giải pháp về “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” vào trong nhiệm vụ, giải pháp của chương trình 3. Tiêu đề của chương trình 3 cần diễn đạt lại thành “Động viên và phát huy các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước”.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, mục 3.1 ở phần đánh giá chung nên ghi thêm câu đánh giá tổng quát là “Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, MTTQ Việt Nam đã tiếp tục phát huy, nâng cao được vai trò nòng cốt trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Về chương trình hành động cụ thể của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029 cần ghi rõ: đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đặc biệt lưu ý vùng khó khăn vốn là “cái nôi của cách mạng qua các thời kỳ”.
“Trong phần một số chỉ tiêu cụ thể, cần nêu rõ nội dung về nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nếu chỉ ghi là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân thì một thực tế hiện nay nhiều địa phương chỉ chăm lo đời sống vật chất và hạ tầng cơ sở, đời sống tinh thần chưa tiến kịp”, ông Hùng kiến nghị.
Đồng tình với các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần rà soát lại và nâng tầm nội dung Báo cáo chính trị hơn nữa, những vấn đề cụ thể cần có phụ lục riêng thì sẽ làm sâu sắc hơn về vấn đề đó, thay vì điểm lại trong phần đánh giá chung. Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam cũng cần được rà soát kỹ hơn để tránh đưa vào những nội dung không phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với các quy định của Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam.
“Các nội dung về tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam cần tăng trách nhiệm, tránh hình thức, đồng thời MTTQ Việt Nam cần làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, triển khai thường xuyên hoạt động này trong thời gian tới”, GS.TS Phan Trung Lý đề xuất.
Liên quan đến nội dung về công tác dân tộc nêu trong Báo cáo chính trị, TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được coi là trọng tâm của chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện phát triển sinh kế bền vững theo hướng đa dạng hóa sinh kế, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội mỗi vùng nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập gắn với bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các dự án này nên thực hiện theo cách thức: Dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ; thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu khẳng định các tham luận tại Hội nghị đã thể hiện trách nhiệm, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó đã khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam, làm sâu sắc hơn nội dung của Báo cáo chính trị, gợi mở cho hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu, biên tập lại nội dung, ngôn ngữ nêu trong Báo cáo chính trị thể hiện được bản sắc của Mặt trận, cụ thể hóa thành những nội dung nhằm chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có thêm nhiều đóng góp cho các hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới.
Nguồn: https://daidoanket.vn/lam-sau-sac-hon-noi-dung-du-thao-van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-mttq-viet-nam-lan-thu-x-10283344.html