ĐÁNH GIÁ ĐÚNG NĂNG LỰC SẼ GIÚP THAY ĐỔI CÁCH DẠY HỌC
Nhiều ý kiến cho rằng với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, việc đổi mới dạy học ở các môn không bắt buộc thi lại càng quan trọng hơn. Làm thế nào để học sinh (HS) thích học và thấy môn học đó là cần thiết cho cuộc sống, mở ra nhiều cơ hội chọn ngành nghề trong tương lai của các em hơn là học để lấy điểm cho kỳ thi. Các trường cần nghiêm túc trong dạy học, kiểm tra, đánh giá HS ở tất cả các môn học chứ không chỉ tập trung vào mấy môn thi.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng điều cốt yếu của kỳ thi phù hợp với chương trình mới là tập trung đổi mới cách ra đề thi. Vì với cách thi như các năm qua, tình trạng HS chịu áp lực, học để đối phó thi cử sẽ vẫn tồn tại. Do vậy, các trường đang rất mong chờ Bộ GD-ĐT công bố minh họa định dạng đề thi theo cách mới để có định hướng rõ ràng trong việc đổi mới dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá ở trường.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nêu quan điểm: việc thi mấy môn bắt buộc, mấy môn lựa chọn không ảnh hưởng nhiều đến việc dạy học nhưng việc thi thế nào để đánh giá đúng năng lực của người học thì sẽ tác động quan trọng đến việc học. Lấy ví dụ về môn sử, ông Nam đề xuất: “Kể cả thi hay không thi tốt nghiệp THPT thì cách ra đề, kiểm tra đánh giá với môn học này phải thay đổi”.
Bà Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), cũng cho rằng không quá lo lắng về việc thi ít môn thì ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện vì hiện nay HS quan tâm nhiều hơn đến tuyển sinh ĐH. Xu hướng các trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng bằng bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ngày càng nhiều, vì vậy HS muốn có nhiều cơ hội xét tuyển buộc các em phải có kiến thức, năng lực toàn diện sẽ quan tâm đều các môn nên không lo việc học lệch.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (Hòa Bình), cũng cho hay càng thi ít môn thì càng phải kiểm soát chặt việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ ở trường để duy trì chất lượng dạy và học. Giáo viên (GV) được yêu cầu chú trọng đánh giá quá trình nhiều hơn để ghi nhận sự tiến bộ của HS. Kỳ kiểm tra định kỳ được tổ chức chung toàn trường. Các bộ môn phải nộp ma trận đề đặc tả trước một tuần cho ban chuyên môn. Sau khi được thông qua, GV ra đề thi và thực hiện chấm chéo giữa các lớp để bảo đảm công bằng. Sau mỗi đợt kiểm tra định kỳ, nhà trường sẽ trao đổi trực tiếp với GV để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp.
KHÔNG THỂ ĐỂ XẢY RA ‘THI GÌ HỌC NẤY’
Chia sẻ với PV Thanh Niên, GS Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng đánh giá giáo dục, trong đó có phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS.
Ông TRẦN MẠNH TÙNG, Giám đốc một trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại Hà Nội
Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”. Không thể để xảy ra việc đánh giá giáo dục điều tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức là không thể để xảy ra tình trạng “thi gì học nấy”. Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tạo dựng niềm tin cho HS và phụ huynh về giá trị mà học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời của HS sau này; từ đó động viên, lôi cuốn HS vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học để đạt được điều đó, không thể dùng biện pháp hành chính: bắt buộc thi một số môn học để buộc HS phải học môn đó.
Ông Trần Mạnh Tùng, Giám đốc một trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại Hà Nội, cũng cho rằng một vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm hiện nay là thay đổi quan niệm học và thi. “Lâu nay, chúng ta vẫn chủ yếu “học để thi”, “thi gì học nấy”. Để dần thay đổi quan điểm thi gì học nấy, đầu tiên, cần thay đổi dần cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để HS không cần học tủ, không cần luyện thi; từ đó thay đổi cách dạy và cách học”, ông Tùng đề nghị.
Tiếp theo, cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kỳ thi, thi xong thì không còn nhớ gì. Làm được như vậy, tất cả các môn học đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn đấy thi hay không thi.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, kỳ vọng trong tương lai Bộ GD-ĐT thành lập được các trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ở các địa phương, thí sinh có thể thi vào những thời điểm khác nhau trong năm, thậm chí có thể chọn thi nhiều lần. Bằng cách này, HS được đánh giá năng lực ở tất cả các môn học.
CÁC TRƯỜNG ĐH NÊN TỰ CHỦ HOÀN TOÀN TUYỂN SINH
Sau khi Bộ GD-ĐT chốt thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và khẳng định HS muốn thi nhiều hơn số này cũng không nằm trong quy định cho phép, một số ý kiến đã cho rằng như vậy sẽ làm giảm cơ hội xét tuyển ĐH nhiều tổ hợp cho HS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia lại ủng hộ vì đây chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên bất cứ quy định nào cũng chỉ nên hướng tới mục tiêu đó.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu quan điểm: không cần thiết “quàng” thêm mục đích “để tuyển sinh ĐH” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Áp lực thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi rất nhiều nếu chỉ có mục đích chính của kỳ thi, không kèm thêm mục đích khác. Lý do thứ hai, theo ông Khang, các trường ĐH đã được quyền tự chủ tuyển sinh, có rất nhiều phương thức tuyển sinh phù hợp với từng trường và từng ngành.
Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Tùng cho rằng cần sớm tách bạch thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên làm đúng vai trò của mình, đó là xét tốt nghiệp.
GS Đỗ Đức Thái cũng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT (nếu có) chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH chứ không đóng vai trò trực tiếp tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT nên khuyến khích các trường ĐH, CĐ tự chủ hoàn toàn trong vấn đề tuyển sinh với những phương thức tuyển sinh khác nhau phù hợp với từng nhà trường… Như vậy, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải trực tiếp góp phần thực hiện thành công những chỉ đạo của Nghị quyết 29 về tính định hướng nghề nghiệp cho HS THPT “nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS”.
Xét tốt nghiệp phải có kết quả học tập của tất cả các môn
Mặc dù phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhưng các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học đã được quy định trong Thông tư 32/2018-TT-BGD-ĐT được sửa đổi bởi Thông tư 13/2022-TT-BGD-ĐT. Cùng với đó, việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT