Tuy nhiên, những cơn đau lưng đôi khi khó phân biệt với trượt đĩa đệm cột sống, một tình trạng nghiêm trọng hơn so với những cơn đau lưng thông thường.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy lối sống ít vận động, ngồi nhiều, đặc biệt là ở tư thế cong vẹo, sẽ gây áp lực lên cột sống. Vùng lưng dưới thường là nơi chịu áp lực lớn nhất. Qua thời gian, cột sống sẽ bị thoái hóa và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).
Nếu chúng ta không vận động, tập luyện để tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ cột sống thì các cơ này sẽ yếu. Lâu dần, chúng sẽ không còn đủ sức để ổn định cột sống, dẫn đến các vấn đề về đĩa đệm cột sống và gây đau lưng.
Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, đau lưng là do cơ hoặc dây chằng bị kéo căng quá mức. Thậm chí, trong một số trường hợp, vận động chuyển hướng đột ngột hoặc mang vác sai tư thế còn gây rách dây chằng lưng và dẫn đến đau lưng.
Trong nhiều trường hợp, khi cơn đau mới xuất hiện thì không dễ gì phân biệt là cơn đau lưng đó là do căng cơ, giãn dây chằng lưng hay trượt đĩa đệm, hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm. Nếu đau lưng cho căng cơ, giãn dây chằng lưng thì hầu hết có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, xoa bóp và tập thể dục nhẹ nhàng. Thông thường, chỉ cần 1 đến 2 tuần là cơn đau sẽ khỏi.
Trong khi đó, đau lưng do thoát vị đĩa đệm thì có triệu chứng phức tạp hơn. Người mắc sẽ bị đau ở vị trí đĩa đệm cột sống bị tổn thương, thường là ở cổ hay thắt lưng. Không những vậy, nếu đĩa đệm bị trượt khỏi vị trí tự nhiên và chèn ép lên dây thần kinh thì có thể gây ngứa ran, tê rát dọc theo vị trí dây thần kinh đi qua. Chẳng hạn, nếu đĩa đệm cột sống ở lưng dưới chèn ép lên dây thần kinh tọa thì sẽ gây cảm giác ngứa ran, thậm chí là đau đớn dọc theo mông, đùi, chân đến bàn chân.
Vì dây thần kinh bị ảnh hưởng nên cũng sẽ gây yếu cơ. Nếu đĩa đệm thoát vị ở đốt sống cổ thì sẽ chèn ép các dây thần kinh dẫn đến cánh tay và làm yếu cánh tay. Ngoài ra, cảm giác đau sẽ trở nên trầm trọng hơn khi vận động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Nếu thấy các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến bệnh viện khám. Ảnh chụp MRI, CT hay X-quang có thể giúp chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm, theo Livestrong.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dau-lung-lam-sao-phan-biet-do-cang-co-hay-truot-dia-dem-185240501000255196.htm