(NLĐO) – Chuyên gia cho rằng tham nhũng chính sách là nguy hại nhất vì rất tinh vi, khó phát hiện, có cả một quy trình và hệ thống
Chiều 30-12, Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức hội thảo khoa học kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Trần Tuấn Duy, Phó Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP HCM, nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong xây dựng pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn lả trách nhiệm của toàn xã hội.
TS Trần Tuấn Duy cho biết hội thảo này sẽ tập hợp được các vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời rút ra được các bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung thời gian tới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, cơ hội và thách thức trong việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thực tiễn để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nhìn nhận hiện nay một số luật có “tuổi thọ” ngắn, mới thông qua đã lạc hậu nên nhiều nhà đầu tư thấy rủi ro.
Từ đó, bà Phạm Phương Thảo cho rằng phải nâng cao chất lượng dự thảo các văn bản pháp luật; nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản, làm sao ít văn bản dưới luật, văn bản luật ban hành là đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo quá trình thẩm tra văn bản pháp luật. Trong xây dựng chính sách, pháp luật cần phân cấp, phân quyền cho rõ; tránh cơ chế xin – cho; có địa chỉ chịu trách nhiệm nếu quyết định sai, gây chậm trễ, ách tắc.
TS Nguyễn Minh Nhứt, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng hiện có 3 dạng tham nhũng chính. Đó là: tham nhũng về tài sản; về quyền lực chính trị và tham nhũng chính sách. Ông phân tích trong các dạng trên, tham nhũng chính sách là nguy hại nhất vì rất tinh vi, khó phát hiện, có cả một quy trình và hệ thống.
Vì vậy, cần nêu cao sự liêm chính của chủ thể tham gia hoạch định chính sách. Ở đó, sự liêm chính không chỉ là vấn đề giáo dục đạo đức mà phải luật hóa, phải có chế tài; người làm công tác xây dựng pháp luật phải là người chuyên nghiệp và có bản lĩnh cao.
Xây dựng cơ chế “lồng nhốt quyền lực”
TS Hoàng Ngọc Anh, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM, nhìn nhận kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật chính là tiền đề, là điều kiện căn cốt cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật, TS Hoàng Ngọc Anh nói cần tăng cường chú trọng hơn nữa công tác cán bộ. Việc chọn đúng người, giao đúng việc là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công một sự án luật.
Song song đó, tăng cường hoạt động đối thoại trong công tác xây dựng pháp luật, đối thoại tới cùng đối với những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tránh việc làm cho có, hình thức, chủ quan.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hải Hồ, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện cán bộ TP HCM, cho rằng phải hoạch định chiến lược quốc gia về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa (xây dựng cơ chế “lồng nhốt quyền lực”; “kiểm soát quyền lực”), bảo đảm “khổng thể”, “không dám”, “không cần” tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời xây dựng cơ chế liên ngành để hạn chế cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; có phân công, phân nhiệm, trách nhiệm chủ trì, phối hợp từ hoạch định chính sách, tham mưu dự thảo, đánh giá tác động chính sách, triền khai xây dựng chính sách, tham mưu dự thảo, đánh giá tác động chính sách, triển khai xây dựng chính sách, đưa chính sách vào văn bản pháp luật.
Theo TS Nguyễn Hải Hồ, cần thực hiện nghiên quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực, đặc biệt là Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm pháp lý, trong đó đưa ra các chế tài gắn với hậu quả pháp lý mà chủ thể xây dựng pháp luật phải gánh chịu nếu xảy ra sai phạm và ngược lại, phải khen thưởng xác đáng, áp dụng cơ chế dưỡng liêm trong công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia soạn thảo văn bản pháp luật, có tài, có đức.
Nguồn: https://nld.com.vn/lam-sao-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-19624123017252894.htm