Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng và các hãng hàng không Việt Nam tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, đồng thời đề xuất các giải pháp giảm giá dịch vụ trong dịp cao điểm mùa hè sắp tới.
Khẩn trương nghiên cứu giải pháp giảm giá vé
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh giá vé máy bay đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết và cao điểm du lịch. Điều này gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.
Chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhiều hơn hãng bay tham gia thị trường để tăng tính cạnh tranh – Ảnh: aivivu.com |
Bộ GTVT giao cho Cục Hàng không Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hàng không; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động bán vé, kê khai và niêm yết giá vé của các hãng hàng không; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giá. Trường hợp cần thiết, đề xuất cơ quan thanh tra chuyên ngành về giá tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật.
Cục Hàng không cũng cần chủ trì làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng tải cung ứng cho các đường bay nội địa trước mắt và lâu dài; tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không bổ sung thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn cao điểm mùa hè và chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm; rà soát và điều hành linh hoạt giờ cất, hạ cánh (slot) tại các cảng hàng không để nâng cao năng lực cung ứng vận tải hàng không.
Đồng thời, Bộ GTVT giao Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định. Thông tin về cơ cấu các khoản thu trong giá vé phải đầy đủ, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho hành khách.
Hãng bay thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn; chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm tàu bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị về du lịch và địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chương trình, điểm đến và sản phẩm du lịch… nhằm thúc đẩy du lịch, giảm giá vé.
Chuyên gia kinh tế nói gì?
Trả lời báo Công Thương về các vấn đề liên quan đến giá vé máy bay, TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế thuộc Học viện Tài chính cho biết, hiện nay Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Tài chính về mức giá trần của các hãng bay và khi đã quy định giá trần thì các doanh nghiệp được phép đặt giá vé của các tuyến đường bay miễn là thấp hơn mức giá trần quy định.
Bộ GTVT cũng là đơn vị kiểm tra giám sát thường xuyên giá vé của các tuyến đường bay này để từ đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính nghiêm minh của quản lý nhà nước. Trong đó có việc buộc các hãng bay chấp hành giá vé theo đúng quy định.
Ông Thịnh cũng cho rằng hiện nay ở nước ta các hãng bay còn ít, các máy bay của các hãng bay lại càng ít hơn. Vừa rồi khi một loạt máy bay bị hãng sản xuất thu hồi để kiểm tra, sửa chữa lỗi của động cơ càng làm số lượng máy bay ít hơn. Cùng với đó, máy bay thuê mới cũng không nhiều khiến lượng máy bay giảm đáng kể.
Khi các đường bay, xuất bay đã được lên lịch sẵn buộc các hãng vẫn phải tổ chức bay 2 chiều với các chuyến bay khứ hồi không có khách từ đó khiến chi phí vé đội lên. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vé tăng cao, tuy nhiên mức giá vé này vẫn chưa cao hơn giá trần quy định. Ông Thịnh cho rằng yêu cầu thanh kiểm tra đối với việc ban hành giá vé với các hãng bay mặc dù tốt nhưng thời điểm hiện tại là chưa cần thiết.
“Khi Bộ Giao thông Vận tải đi kiểm tra các doanh nghiệp bay thì chắc chắn không có doanh nghiệp nào dám vượt giá trần”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng đồng ý quan điểm một thị trường có càng nhiều hãng bay thì tính cạnh tranh càng cao và từ đó các hãng phải tìm cách để hạ giá vé mà vẫn phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc có thêm các hãng bay mới để tăng sự cạnh tranh cho thị trường thì hồ sơ thủ tục rất phức tạp ngoài ra còn phụ thuộc vào sự tăng trưởng lượng khách phải đủ cao.
Ở các nước phát triển, sở dĩ có nhiều hãng bay là do nhu cầu đi lại lớn, lượng khách lớn thì chi phí sẽ giảm đi. Ngoài ra các nước cũng có nhiều các hãng hàng không giá rẻ, cắt giảm về dịch vụ đi kèm làm chi phí giá vé phù hợp, đa dạng hơn.
Ngoài tăng tính cạnh tranh cho thị trường, các loại thuế phí tính trên mỗi vé máy bay cũng có thể được xem xét giảm.
“Những loại phí liên quan đến cất hạ cánh, bảo vệ môi trường, xăng dầu, bảo đảm an ninh… thì khó có thể giảm vì theo thông lệ quốc tế đã như vậy. Nhưng có những loại phí chẳng hạn như phí vào sân bay cũng có quốc gia có, có quốc gia không, với những loại như vậy thì chúng ta có thể rà soát lại xem có thể cắt giảm được hay không“, TS. Đinh Trọng Thịnh nêu giải pháp.
Nguồn: https://congthuong.vn/lam-sao-ha-nhiet-gia-ve-may-bay-323473.html