Bạo lực vẫn còn ẩn khuất vì hầu hết phụ nữ và trẻ em gái (hơn 90%) chưa từng tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương hoặc chính quyền.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson chia sẻ tại Hội thảo ra mắt và triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: PH) |
Chia sẻ tại Hội thảo ra mắt và triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em (Hướng dẫn ASEAN) vừa qua tại Quảng Ninh, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson nhận định rằng: “Phần lớn những phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực đều không lên tiếng. Đây là một thực tế không chỉ ở Việt Nam, các nước ASEAN khác mà ở hầu hết các nước trên thế giới”.
Làm sao để những nạn nhân của bạo lực dám phá vỡ khoảng không đen tối của sự im lặng để lên tiếng là trăn trở của nhiều chuyên gia, các tổ chức xã hội của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo trước một thực tế đáng báo động về bạo lực ở ASEAN, khu vực, trong đó có cả Việt Nam.
Những con số “biết nói”
Theo Hướng dẫn ASEAN, ước tính tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái bị xâm hại thể chất trong khu vực giao động từ 10-30,3%; số liệu đối với xâm hại tình dục là từ 1,7-11,6%; xâm hại tinh thần là từ 31,3-68,5% và lao động trẻ em là 6,5-56%. Hơn nữa, cứ bốn trẻ em trong khu vực thì có ba trẻ em chịu hình thức kỷ luật bạo lực từ chính thầy, cô giáo hoặc cha, mẹ mình.
Các nền tảng truyền thông xã hội và các công nghệ khác đã làm xuất hiện thêm những hình thức và cách biểu hiện mới của bảo lực đối với phụ nữ, trẻ em, đồng thời làm trầm trọng thêm những hình thức bạo lực đã có từ trước đó về quy mô, tốc độ, phạm vi trong quá trình xảy ra bạo lực. Theo một nghiên cứu gần đây, trên toàn cầu có 85% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị hoặc chứng kiến một số hình thức bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng hoặc bạo lực có sử dụng công nghệ và tỷ lệ bạo lực trên mạng đối với phụ nữ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 88%.
Ở Việt Nam, kết quả của Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do UNFPA hỗ trợ năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ (62,9%), trong độ tuổi từ 15 đến 64, đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình trong đời và 4% phụ nữ cho biết họ đã từng bị xâm hại tình dục trước tuổi 15.
Theo Điều tra các chỉ số SDGs về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021 (do Tổng Cục Thống kê và UNICEF), 72% trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 1 đến 14 bị các hình thức xử phạt bạo lực do các thành viên trong gia đình. Bạo lực đối với trẻ em chưa có thống kê chính thức. Hàng năm, 2.000 trường hợp trẻ em được báo cáo là bị lạm dụng, trong đó khoảng 75% là lạm dụng tình dục.
Các đại biểu tham dự Hội thảo ra mắt và triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: PH) |
Liều thuốc chữa lành
Hầu hết các đại biểu tại Hội thảo đều nhất trí một điều rằng để những nạn nhân bị bạo lực dám lên tiếng và những nỗi đau của họ có thể sớm được chữa lành thì việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực đóng vai trò vô cùng quan trọng. ASEAN, trong đó có Việt Nam cần phải nân cao các dịch vụ công tác xã hội, trong đó có việc đào tạo ra đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp để thực hiện “sứ mệnh” quan trọng này.
Tại Hội thảo, quyền Tham tán phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Majdie Hordern đã chia sẻ những thực tiễn mà bà cho rằng các quốc gia ASEAN hoặc Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để phát triển các dịch vụ công tác xã hội tại đất nước mình. Theo bà Majdie Hordern, Australia đã có rất nhiều nỗ lực đưa vấn đề chấm dứt bao lực là một ưu tiên nhằm đạt được một xã hội bình đẳng và hạnh phúc như mong muốn. Từ năm 2002, Australia đã xây dựng một kế hoạch quốc gia với tầm nhìn 30 năm để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, kế hoạch này có sự tham gia đồng bộ của nhiều các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Australia chú trọng đầu tư cho các chương trình phòng chống bạo lực, nhà tạm lánh, công tác đào tạo các nhân viên làm công tác xã hội được đặt lên hàng đầu vì đây chính là lực lượng giúp các nạn nhân. “Tại Australia, lực lượng làm công tác xã hội được chuẩn hóa, chuyên nghiệp và được coi trọng. Nhân viên công tác xã hội có mặt ở các cơ quan, tổ chức và có sứ mệnh mang lại công lý xã hội”, bà Majdie Hordern chia sẻ.
Tại hội thảo, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Rana Flowers đánh giá cao các nỗ lực của nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam trong việc phát triển các dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện.
Trong 2 thập kỉ qua, với sự hỗ trợ của UNICEF, các trung tâm và cơ sở dịch vụ công tác xã hội đã được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Các nhân viên tại những cơ sở này đã được tập huấn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ và chuyến gửi cho hàng nghìn trẻ em và phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn bán người, và các hình thức lạm dụng trẻ em khác.
UNICEF và UN Women đang hợp tác với Hội Phụ Nữ Việt Nam hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em, nạn nhân của bạo lực, nạn buôn người và lạm dụng trẻ em, đặc biệt là hợp tác với Ngôi nhà Hòa bình. Được Hội Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 2007, ngôi nhà là nơi lánh nạn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, lạn dụng trẻ em và buôn bán người. Ngôi nhà đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tổng thể miễn phí cho gần 2.000 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em đồng thời hỗ trợ tư pháp, kỹ năng sống và hỗ trợ hòa nhập an toàn và bền vững.
Điều bà Rana Flowers mong muốn là Việt Nam hay các quốc gia thành viên khác sẽ chú trọng hơn nữa vào công tác đào tạo lực lượng làm công tác xã hội. Các cán bộ làm công tác xã hội không chỉ là những người tốt nghiệp các khóa học ngắn hạn mà cần có một lộ trình đào tạo dài hạn, bài bản như đào tạo đại học hoặc cao hơn nữa để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng này.
Bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa các dịch vụ công tác xã hội tại Philippines và kêu gọi sự chung tay từ các thành viên ASEAN khác, Đại diện quan chức cấp cao ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển của Philippines Usec Vilma Caberera nhấn mạnh: “Phụ nữ phải được sống một cuộc sống không có bạo lực dù họ là ai, không phải sợ hãi bạo lực. Đó chính là mấu chốt và mục đích mà ASEAN hướng đến”.
Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh là một trong những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. (Ảnh: DT) |
Những lối thoát mở ra tương lai
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Matt Jackson cho rằng luôn có những lối thoát mở ra tương lai mới cho những nạn nhân bạo lực dám lên tiếng vì những quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Matt Jackson chia sẻ tại Hội thảo: “Mới đây tôi có dịp gặp gỡ một giáo viên đã về hưu và là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị ấy tên là Mai. Chị đã chia sẻ câu chuyện của chị tại một trong những Trung tâm dịch vụ một cửa do UNFPA hỗ trợ tại Việt Nam. Chị Mai đã chịu đau đớn trong bao nhiêu năm do bạo lực từ chồng chị và còn bị mọi người đổ lỗi cho chị là nguyên nhân của mọi hành vi bạo lực. Thật may mắn, với sự hỗ trợ tâm lý và tư vấn của những người cung cấp dịch vụ công tác xã hội, chị Mai giờ đã có cuộc sống tốt hơn nhiều, một cuộc sống độc lập, có kiến thức và tự tin về tương lai của mình. Chị luôn mong muốn nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ như chị sẽ có cuộc sống tốt đẹp như chị hiện tại”.
Những câu chuyện như của chị Mai, theo ông Matt Jackson, là động lực để UNFPA nỗ lực cùng Việt Nam xây dựng các dịch vụ công tác xã hội thực sự có chất lượng, thiết thực và đi vào cuộc sống. Ông Matt Jackson đặc biệt nhấn mạnh tới mô hình Ngôi nhà Ánh Dương – nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Hiện tại, UNFPA đã hộ trợ Việt Nam xây dựng 4 ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. UNFPA đang có kế hoạch hỗ trợ mở thêm 4 cơ sở nữa tại Việt Nam. Kể từ năm 2020, các Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ gần 1.600 người bị bạo lực trên cơ sở giới, và đường dây nóng của họ, cùng với đường dây nóng 18001768 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam điều hành, đã nhận được hơn 3.500 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
“Điều qua trọng là những trung tâm này luôn đặt người bị bạo lực và nhu cầu của họ là trọng tâm của hoạt động hỗ trợ. Trong các chuyến đi công tác tôi được biết nhu cầu được hỗ trợ là rất cao và, như chúng ta đều biết, phần lớn những người bị bạo lực giới thường không nói ra hoặc không tìm kiếm sự trợ giúp. Đây là một thách thức mà chúng tôi biết nước nào cũng có. Ở Việt Nam, UNFPA cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để nhân rộng thêm nhiều Ngôi nhà Ánh Dương nữa”, ông Matt Jackson chia sẻ.