Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự án luật này đang được dư luận xã hội, người dân rất quan tâm. Bởi, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của mỗi cá nhân.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về việc phát triển công nghiệp dược cần có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp để phát triển công nghiệp dược trong nước. Nếu ngành công nghiệp dược trong nước phát triển mạnh thì chúng ta không dùng các thuốc nhập ngoại nhiều.
Theo Chủ tịch Quốc hội, bác sĩ luôn muốn kê đơn thuốc tốt cho bệnh nhân, nếu công nghiệp dược trong nước phát triển thì người dân sử dụng các thuốc trong nước để điều trị.
“Bản thân tôi rất ủng hộ việc phát triển công nghiệp dược trong nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Hiện nay, rất nhiều người dân mắc bệnh ung thư nhưng thuốc điều trị rất đắt tiền và hầu hết thuốc nhập từ nước ngoài. Từ thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Y tế đánh giá, làm sao để phát triển mạnh công nghiệp dược trong nước trong điều kiện chúng ta hiện có và cho phép.
Đối với vấn đề phát triển nguồn dược liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta thấy rất rõ về tiềm năng. Do đó, cần có cơ chế, quy định, luật pháp cụ thể để phát huy tiềm năng này.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay: “Đất nước mình đâu đâu cũng có những cây thuốc quý nhưng ít dùng. Theo tôi, hiện nay chúng ta nên phòng bệnh là chính. Ở mỗi gia đình cần có vườn thuốc nam, nếu bệnh nhẹ thì chúng ta có thể tự chữa trị mà không cần đến các cơ sở y tế”.
Ngoài ra, để phát triển nguồn dược liệu, theo Chủ tịch Quốc hội cần thu hút đầu tư nước ngoài mà Việt Nam còn thiếu như: Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ… nhất là trong việc sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc sinh học, thuốc công nghệ mới, thuốc biệt dược.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận thuốc, kinh doanh thuốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định có nhiều thay đổi so với luật hiện này. Tuy nhiên, ông đề nghị cần tăng cường mạnh mẽ công tác hậu kiểm.
Về vấn đề giá thuốc, Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh, dự thảo luật lần này có quy định về kiểm soát giá, tính đặc thù của thuốc; áp dụng quy định Luật Giá… chúng ta cần lưu tâm, nghiên cứu vấn đề này làm sao để giá thuốc đến người dùng tốt nhất, các doanh nghiệp dược vẫn đảm bảo lợi nhuận hợp lý.
Nêu ý kiến về phân phối thuốc, điểm mới trong luật là bổ sung quyền phân phối thuốc đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc mở rộng phân phối cần phải thận trọng từng bước, làm sao không để độc quyền trong phân phối… cần có lộ trình từng bước sao cho phù hợp.
Đối với quy định phân phối thuốc trên thương mại điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là mặt hàng đặc biệt, cần có quy định cụ thể kiểm soát; mở rộng từng bước, thận trọng, đồng bộ với các luật liên quan khác về giao dịch điện tử, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đối với việc kiểm soát thông tin chặt chẽ trên hệ thống thông tin như báo đài, truyền hình… không để quảng cáo sai lệch về bản chất của thuốc; không để người dân “tiền mất tật mang” do sử dụng thuốc theo quảng cáo.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lam-sao-de-gia-thuoc-den-nguoi-dung-tot-nhat-a668940.html