Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia lưu ý việc thúc tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng phải hợp lý, kiểm soát được lạm phát, tránh để dòng tiền chảy một cách “dễ dãi” sang thị trường tài sản.
Trông chờ doanh nghiệp tăng vay
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán VPBanks, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng Việt Nam tính đến ngày 26-8 đạt 6,63%. Với mục tiêu tăng trưởng 15% cho cả năm, ngành ngân hàng cần phải đẩy thêm 8,37% tín dụng, tương đương hơn 1,13 triệu tỉ đồng, trong 4 tháng cuối năm.
Bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích của VPBanks, cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng cho các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu được cấp, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Chính sách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giành room tín dụng và thị phần, dẫn đến xu hướng lãi suất ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay.
Ông Lê Hoài Ân, chuyên gia ngân hàng và nhà sáng lập Công ty CP Giải pháp tài chính tích hợp, chỉ ra rằng tăng trưởng tín dụng trong quý vừa qua chủ yếu đến từ khối ngân hàng thương mại niêm yết, đặc biệt là nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp.
Theo dữ liệu từ Wigroup, nhóm ngân hàng thương mại niêm yết chiếm khoảng 80% dư nợ tín dụng toàn ngành và tăng trưởng khoảng 8%, trong khi nhóm chưa niêm yết chiếm 20% dư nợ và chỉ tăng trưởng 1 – 2%.
Ông Ân nhấn mạnh rằng cho vay phân khúc doanh nghiệp đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng cá nhân chậm. Các ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản và xây dựng cao cũng thể hiện mức tăng trưởng vượt trội so với trung bình ngành.
Ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc TPBank, nhận thấy nhu cầu tín dụng đang tăng dần trong quý 3 với nhiều doanh nghiệp quan tâm vay vốn hơn. Ông kỳ vọng ngân hàng sẽ giải ngân hết 16% room tín dụng được giao trong năm nay.
Ông Phạm Như Ánh, CEO MBBank, cho biết tính đến 28-8, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đạt 10,44%. Theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của NHNN, MBBank dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm 14.000 tỉ đồng.
Để thúc đẩy tín dụng, MBBank tập trung vào các lĩnh vực là động lực thúc đẩy nền kinh tế như xuất khẩu, y tế, giáo dục, điện, năng lượng tái tạo, sản xuất chế biến.
Có nhất thiết phải đạt 15%?
Theo dự báo của một số đơn vị nghiên cứu, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức 14%, với giả định các ngân hàng đẩy được 90% room tín dụng được giao, NHNN không tăng lãi suất điều hành và GDP đạt trên 6%. Tuy nhiên một số chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về việc liệu có nên cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 15% hay không.
Báo cáo từ VPBanks chỉ ra rằng tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước có thu nhập tương đương và tiệm cận với các nước thu nhập cao.
Điều này gây lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15% trong năm nay, đặc biệt khi cân nhắc đến rủi ro về chất lượng tài sản, áp lực lạm phát và nguy cơ nợ xấu.
Thống kê từ Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho thấy tỉ trọng dòng vốn tín dụng đã tăng từ 40,7% năm 2019 lên 53,5% trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, các kênh huy động qua thị trường vốn như cổ phiếu và trái phiếu lại có xu hướng suy giảm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định rằng sự yếu kém của thị trường vốn là do niềm tin vào thị trường trái phiếu chưa được khôi phục. Ông cũng lưu ý rằng thị trường cổ phiếu đang khá ảm đạm với số lượng doanh nghiệp lên sàn rất hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, ông Huân đề xuất cần có giải pháp vực dậy thị trường vốn, đặc biệt là phát triển thị trường trái phiếu với quy mô và cơ cấu lớn hơn cả tín dụng. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc phát triển thị trường vốn sẽ giúp giảm gánh nặng lên tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên ông Huân cũng lưu ý rằng việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải hợp lý và không nên bằng mọi giá, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát.
Chuyên gia này cảnh báo về việc tránh tạo áp lực lên việc “bơm” tín dụng để dòng tiền chảy một cách “dễ dãi” sang thị trường bất động sản hay các loại tài sản khác.
“Tăng trưởng tín dụng cuối cùng vẫn phải phục vụ tăng trưởng kinh tế và cần gắn liền với nhu cầu vay vốn thực tế như sản xuất kinh doanh và tiêu dùng”, ông Huân nói.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng đề xuất NHNN cần định hướng rõ ràng hơn cho các ngân hàng về việc ưu tiên chất lượng tài sản và đảm bảo tăng trưởng dư nợ cho vay một cách bền vững. Đồng thời cần khuyến khích ngân hàng phân bổ rủi ro bằng cách tránh tập trung tín dụng vào một số doanh nghiệp cụ thể.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt thấp hơn mục tiêu 15%, nhưng nếu dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, nó vẫn có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%. Điều quan trọng là không nên đánh đổi chất lượng tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng lên trong quý 2 vừa qua.
Nhiều tín hiệu tích cực
Một lãnh đạo ngân hàng khác cho rằng việc Fed dự kiến hạ lãi suất trong tháng 9, cùng xu hướng hạ nhiệt của tỉ giá, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam duy trì lãi suất thấp, kích thích tăng trưởng vay vốn giá rẻ.
Khi đồng USD hạ giá, kinh tế thế giới có thể phục hồi, dẫn đến tăng đơn hàng xuất khẩu cho Việt Nam, từ đó tạo ra nhu cầu lớn hơn về tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Kỳ vọng này được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Wigroup, cho thấy các ngành sản xuất như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và công nghiệp đã vay thêm gần 35.000 tỉ đồng trong 8 tháng qua. Chỉ số PMI tháng 8, mặc dù giảm so với tháng 7, vẫn đạt 52,4 điểm với sản lượng và đơn hàng mới tiếp tục tăng đáng kể, cho thấy sự hồi phục tích cực trong sản xuất và thương mại.
Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn. Những yếu tố này được xem là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2024.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-sao-bom-hon-1-trieu-ti-dong-vao-nen-kinh-te-20240910231137907.htm