Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị 

Các dự án luật, nghị quyết này sẽ được trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ được thông qua theo quy trình một kỳ họp. 

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của UBND; phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng ban Pháp chế - HĐND thành phố đồng tình, đánh giá cao nội dung dự thảo luật. Ông Dũng cho rằng, dự thảo luật đã tháo gỡ những vướng mắc về các vấn đề phát sinh sau hai kỳ họp HĐND; đồng thời góp ý cần nghiên cứu thêm quy định chất vấn của HĐND đối với cơ quan thi hành án dân sự; quy định rõ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND...

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, các đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết, là cơ sở pháp lý đầy đủ để quy định cụ thể hơn các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn thi hành sẽ xảy ra; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục của bộ máy Nhà nước, xã hội, người dân được diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy... 

Các đại biểu cũng đã tham gia góp ý về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền; các quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy Phương, đại diện Sở Tư pháp góp ý tại hội nghị 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy Phương, đại diện Sở Tư pháp góp ý, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc cho phép số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp có thể cao hơn mức đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm bao quát tất cả các loại hình cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp. Nghiên cứu, mở rộng phạm vi cơ quan, tổ chức được phép quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc thẩm quyền khác với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên để phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. 

“Chính phủ cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này của Quốc hội, trong đó xác định rõ các đầu mục công việc cần triển khai, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, thời hạn hoàn thành và có danh mục cụ thể các luật, nghị quyết của Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước”, bà Phương nêu quan điểm.

Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của luật vào dự thảo luật; xem xét quy định rõ việc xây dựng, ban hành VBQPPL trong trường hợp khẩn cấp nào được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, trường hợp nào được xây dựng, ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt để dễ áp dụng.

“Một số nội dung Luật Ban hành VBQPPL cần đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung một số tiểu mục; cần làm rõ các khái niệm “thay thế”, “bãi bỏ” ở khoản 3, Điều 8…”, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Nguyễn Văn Phước góp ý.

Các đại biểu có những đề xuất về hệ thống VBQPPL; đó là tính phù hợp về việc lược giảm hình thức VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã, của HĐND, UBND quận như dự thảo luật quy định.

Về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo VBQPPL, hiện đang có 2 loại ý kiến, đó là đề nghị ngoài Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), cần nghiên cứu mở rộng quyền phản biện xã hội cho các tổ chức chính trị - xã hội khác để phù hợp với quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội; giữ nguyên như dự thảo luật của Chính phủ trình.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao những nội dung tham gia góp ý của các đại biểu. Bà Sửu ghi nhận, tiếp thu các ý kiến; đồng thời cho biết, các ý kiến sẽ được đoàn tổng hợp để chuyển đến kỳ họp bất thường của Quốc hội sắp tới. 

LÊ THỌ