Làm rõ khả năng bố trí 139.828 tỷ đồng cho những dự án kết nối các tuyến cao tốc
Tổng nhu cầu vốn xây dựng nút giao, đường kết nối các tuyến cao tốc trong kỳ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 theo đề xuất của Bộ GTVT và các địa phương là rất lớn, có thể lên tới 139.828 tỷ đồng.
Phối cảnh nút giao Đầm Nhà Mạc trên cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 5098/BKHĐT – PTHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về các nội dung đề xuất của Bộ GTVT về việc kết nối các tuyến cao tốc theo Công điện số 769/CĐ – TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Làm rõ sự phù hợp của từng nút giao
Cần phải nói thêm rằng, nội dung liên quan đến phát triển mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn các tỉnh đã được cập nhật vào phương án phát triển mạng lưới giao thông tại nội dung quy hoạch tỉnh trong quá trình triển khai lập, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, các địa phương đã chú trọng việc tổ chức không gian phát triển, phương án kết nối đồng bộ, khoa học, nhằm xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt, hiệu quả trên địa bàn.
Tuy nhiên, để làm rõ sự phù hợp, tính đồng bộ với các quy hoạch và quy định về việc đầu tư các nút giao, đường kết nối, tại công văn số 5098, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, phân tích đánh giá về sự phù hợp của từng nút giao (về đề xuất vị trí, phương thức kết nối gồm giao cắt đồng mức, giao cắt khác mức) và tuyến kết nối (cấp kỹ thuật của các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh) với phương án phát triển mạng lưới giao thông tại nội dung quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn các tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở phân tích đánh giá sự phù hợp với định hướng phát triển các hành lang kinh tế, phương hướng phát triển mạng lưới giao thông tại các quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như tại các quy hoạch tỉnh có liên quan để luận giải, bổ sung phân tích đánh giá cụ thể về mức độ ưu tiên đối với các nút giao, tuyến kết nối, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương có liên quan rà soát, đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch có liên quan thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở để xuất Danh mục theo thứ tự ưu tiên tương ứng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phù hợp với quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các nút giao, tuyến đường kết nối phải đảm bảo tuân thủ quy định về khoảng cách giữa các nút giao theo quy chuẩn đường cao tốc QCVN 115:2024/BGTVT, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729:2012.
Do trong các phụ lục kèm theo, Bộ GTVT mới chỉ liệt kê vị trí, khoảng cách giữa các nút giao liền kề mà chưa đánh giá sự phù hợp của vị trí các nút giao do các địa phương đề xuất với các quy định nêu trên và quy hoạch có liên quan.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, Bộ GTVT cần làm rõ thẩm quyền quyết định vị trí các nút giao kết nối với đường cao tốc đối với từng đề xuất của các địa phương. Trường hợp cần thiết, tại các vị trí nút giao có dự báo lưu lượng cao, cửa ngõ ra vào thành phố lớn, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, cần nghiên cứu đầu tư với quy mô phù hợp, đảm bảo yêu cầu thực tiễn và tầm nhìn dài hạn.
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư các nút giao, tuyến đường kết nối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Quốc hội chưa có chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về nguồn tăng thu ngân sách hằng năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Chính phủ lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Việc sử dụng nguồn vốn này phải phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Ngân sách nhà nước, trong ưu tiên xử lý những vấn đề nóng, khẩn cấp, công trình, dự án đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí đủ vốn… phần còn lại sau khi đã đảm bảo những nhiệm vụ khác mới bố trí cho công trình, dự án khởi công mới.
Trường hợp đề xuất bố trí nguồn vốn này cần phải phù hợp với các tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ và phải báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội).
“Đối với Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cũng chưa được xây dựng do đó chưa có cơ sở để xác định khả năng cân đối vốn nhà nước cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Chọn danh mục ưu tiên
Trước đó, vào đầu tháng 5/2024, Bộ GTVT đã có công văn số 4752/BGTVT-KHĐT gửi lãnh đạo Chính phủ báo cáo việc kết nối các tuyến cao tốc theo Công điện số 769/CĐ- TTg.
Theo Bộ GTVT, có tới 134 kiến nghị, đề xuất của địa phương với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 174.543 tỷ đồng, trong đó có 53 kiến nghị liên quan đến nút giao (nhu cầu khoảng 33.029 tỷ đồng); 81 kiến nghị liên quan đến tuyến kết nối (nhu cầu khoảng 141.514 tỷ đồng).
Trong đó, có 9 kiến nghị liên quan đến nút giao đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng, gồm: Bắc Giang (1 nút giao trên tuyến Bắc Giang – Lạng Sơn), Hà Nam (2 nút giao, tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình), Đà Nẵng (1 nút giao, tuyến La Sơn – Hòa Liên), Bình Thuận (1 nút giao, tuyến Phan Thiết – Dầu Giây), Hưng Yên (1 nút giao, tuyến Hà Nội – Hải Phòng), Hải Dương (1 nút giao, tuyến Hà Nội – Hải Phòng), Vĩnh Phúc (2 nút giao, tuyến Nội Bài – Lào Cai).
Có 7 kiến nghị bổ sung nút giao hoặc mở rộng nút giao hiện hữu trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, gồm: Hà Nam, Nam Định (3 nút giao, tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình); Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (4 nút giao, tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi).
Có 5 kiến nghị bổ sung nút giao, tuy nhiên không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn đường cao tốc QCVN 115:2024/BGTVT, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729:2012 (như khoảng cách với nút giao liền kề nhỏ hơn 4km, có thể xem xét bố trí đường song hành để kết nối với các nút giao liền kề, thuận lợi cho tổ chức giao thông, không ảnh hưởng đến năng lực thông hành của tuyến cao tốc), gồm: Bắc Giang (1 nút giao, tuyến Bắc Giang – Lạng Sơn), Hải Phòng (1 nút giao, tuyến Hà Nội – Hải Phòng), Quảng Bình (1 nút giao, tuyến Vũng Áng – Bùng), Đà Nẵng (1 nút giao, tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi), Hậu Giang (1 nút giao, tuyến Cần Thơ – Cà Mau).
Có 32 kiến nghị bổ sung, hoàn thiện nút giao theo quy hoạch. Các kiến nghị đầu tư này thuộc nhiệm vụ chi của cả ngân sách trung ương và ngân sách được phương, chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện đầu tư.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện các nút giao theo các kiến nghị nêu trên khoảng 33.029 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 7.501 tỷ đồng, ngân sách địa phương 25.528 tỷ đồng), trong đó đã bố trí vốn thực hiện khoảng 4.697 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 270 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.427 tỷ đồng), nhu cầu cần bố trí bổ sung khoảng 28.332 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 7.231 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21.101 tỷ đồng).
Đối với các kiến nghị liên quan đến tuyến kết nối, Bộ GTVT cho biết là nhận được 10 kiến nghị liên quan đến tuyến kết nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng, gồm: Bắc Giang (1 tuyến nối, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn); Thanh Hóa (3 tuyến nối, cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, 2 tuyến nối, cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn); Hà Tĩnh (2 tuyến nối, cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng); Đà Nẵng (1 tuyến nối, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi); Cần Thơ (1 tuyến nối, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng).
Có 71 kiến nghị đầu tư mới hoặc mở rộng tuyến kết nối gồm: các tuyến cao tốc, quốc lộ; các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Việc đầu tư các tuyến này chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT và các địa phương.
Nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện các tuyến kết nối theo các kiến nghị khoảng 141.514 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 32.334 tỷ đồng, ngân sách địa phương 109.180 tỷ đồng), trong đó đã bố trí vốn triển khai thực hiện khoảng 16.554 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 600 tỷ đồng, ngân sách địa phương 15.954 tỷ đồng), nhu cầu cần bố trí bổ sung khoảng 124.960 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 31.734 tỷ đồng, ngân sách địa phương 93.226 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trường hợp cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện toàn bộ các nút giao, tuyến kết nối sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương liên quan.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay khoảng 174.543 tỷ đồng ngân sách nhà nước để đầu tư là khó khả thi, trong khi đang cần ưu tiên đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe và tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu có 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của địa phương, vai trò của tuyến cao tốc, sự cần thiết đầu tư, khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá sơ bộ mức độ ưu tiên các kiến nghị của địa phương trên tổng thể các tiêu chí.
Cụ thể, đối với các nút giao, tuyến kết nối có nhu cầu cấp thiết, cần sớm bố trí vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cân đối khoảng 4.352 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương hàng năm, nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để hỗ trợ Bộ GTVT khoảng 2.075 tỷ đồng để đầu tư 8 tuyến kết nối là các quốc lộ (Quốc lộ 19B, Quốc lộ 19C, Quốc lộ 29, Quốc lộ 217, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 49, Quốc lộ 10, Quốc lộ 91); hỗ trợ 8 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế) khoảng 2.277 tỷ đồng để đầu tư 2 nút giao, 10 tuyến kết nối.
Đối với các nút giao, tuyến kết nối cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ rà soát, ưu tiên bố trí khoảng 24.833 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư 4 nút giao, 12 tuyến kết nối là quốc lộ, nhánh nối cao tốc (Quốc lộ 9B, Quốc lộ 1, Quốc lộ 47, Quốc lộ 45, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 28, Quốc lộ 55, Quốc lộ 70B, Quốc lộ 34B, Quốc lộ 3, 2 nhánh nối trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, ưu tiên bố trí khoảng 114.995 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư 26 nút giao, 40 tuyến kết nối, đặc biệt đối với các dự án đang triển khai mà địa phương là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nút giao bảo đảm phù hợp với quy chuẩn đường cao tốc QCVN 115:2024/BGTVT, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729:2012, tuân thủ quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 25/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.
Đối với các nút giao, tuyến kết nối trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, Bộ GTVT kiến nghị giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn khoảng 7.007 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư 7 nút giao, 1 tuyến kết nối theo kiến nghị của 6 địa phương (Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Thực tiễn đã chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế – xã hội trên địa bàn; đã hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn…, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên còn một số trường hợp việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa đường bộ cao tốc và các quy hoạch nên chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nguồn: https://baodautu.vn/lam-ro-kha-nang-bo-tri-139828-ty-dong-cho-nhung-du-an-ket-noi-cac-tuyen-cao-toc-d219067.html