Thế nhưng điều khiến nhiều người không kém phần cảm phục khi được biết gần đây, cô giáo Đinh Thị Thùy Trang, người cháu gái đã chấp nhận bỏ cả sự nghiệp, hy sinh cả tuổi thanh xuân, để chăm lo mái ấm mồ côi khi ông Nhật mang trọng bệnh…
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng thì Thùy Trang cũng sắp xếp cho tôi một cuộc gặp. Thế nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn nhiều lần bị ngắt quãng bởi khi thì một cuộc chơi đuổi bắt ngẫu hứng nổ ra với những tiếng cười như nắc nẻ; những tiếng thét chói tai. Lúc thì một đôi bạn mếu máo dắt nhau đến nhờ “mẹ Trang” phân xử. Chỉ riêng việc hòa giải, dỗ dành đám trẻ này mỗi ngày thôi cũng đủ ê mình. Vậy mà Thùy Trang còn phải lo ăn, mặc, học hành cho chúng. Mà đâu phải tất cả chúng đều lành lặn, khôn ngoan như những đứa trẻ bình thường! Cơ duyên nào đã khiến Thùy Trang gắn mình với trại trẻ mồ côi này, với tôi thật ngoài sức tưởng tượng.
Từ những điều không tin nổi…
“Năm 2005 khi đang học lớp 12, tôi đã chứng kiến việc làm lạ đời của bác Nhật: đưa một đứa trẻ người Jrai mới sinh được 2 ngày về nuôi”, Thùy Trang kể và vào chuyện: “Là một tu sĩ Công giáo nên đã hơn 40 tuổi, bác Nhật chưa một lần bế trẻ sơ sinh, nói gì đến việc nuôi nấng, chăm sóc; lại thêm nhà cửa không có, nguồn sống phụ thuộc gia đình. Tò mò, tôi lân la hỏi chuyện thì được biết: Hôm đó bác Nhật vào xã GLa (H.Mang Yang, Gia Lai) có việc. Tình cờ nghe người ta kháo chuyện có một người đàn bà dân tộc Bah Nar mới sinh con thì chết vì băng huyết. Theo tục lệ, người ta sẽ chôn đứa bé sơ sinh theo mẹ. Nghe vậy bác Nhật tò mò tìm đến. Trước mắt bác là một cảnh tượng đau lòng: Bên cạnh xác người mẹ xấu số đắp sơ sài bằng tấm chiếu rách là một đứa trẻ sơ sinh được bọc trong một tấm giẻ rách khóc không thành tiếng. Vậy mà vẫn có bao người lo đập heo, mổ bò để cúng ma. Xót xa, bác Nhật giành lấy đứa bé mang về sau khi cam đoan phải đền cho làng một con heo nhỏ. “Thôi thì cứu lấy mạng người đã, có thể sau này ai xin thì cho người ta”, bác nói vậy nhưng làm gì có ai xin. Đứa bé thiếu mẹ, đau ốm quặt quẹo, suốt đêm quấy khóc khiến không lúc nào bác Nhật được chợp mắt. Sự kiên nhẫn của bác thật phi thường. Con bé có da, có thịt dần. Bác đặt tên là Hồng Phúc – một cái tên đúng như số phận kỳ diệu của bé…
Năm 2008, bé Hồng Phúc mới được 3 tuổi, trong một lần đi đám ma ở xã Ia Kor (Chư Sê) lại thấy bác Nhật mang về 4 đứa trẻ mồ côi cha mẹ, trong đó đứa lớn nhất 13 tuổi; đứa út mới 7 tháng tuổi. Từ đó tiếng đồn về bác Nhật mỗi ngày một xa. Người đến mách, người đích thân mang đến cho bác những đứa trẻ đủ mọi hoàn cảnh. Bác Nhật dang tay đón nhận tất cả. Trong số các cháu bác nhận về có 5 bé bị thần kinh bẩm sinh, 1 bé khuyết tật. Để có tiền thuốc thang, cơm áo cho lũ trẻ, bác Nhật phải thường xuyên đi làm thuê. Suốt mấy năm ròng, bác phải dè sẻn từng miếng ăn, không dám mua cả quần áo mới. Từ sự cảm phục đơn thuần, giờ đây tôi đã hiểu hơn về bác. Tôi hiểu bác đã hành động bởi tấm lòng từ tâm đích thực của mình. Chính mẹ tôi, từ chỗ phản đối việc làm của bác, giờ cũng nghĩ lại, giúp bác ấy mấy trăm triệu để xây nhà. Tuy vậy thì tôi vẫn không thể nghĩ rằng có ngày tôi sẽ thay bác Nhật nuôi nấng, chăm lo cho bọn trẻ…”.
… Và lý lẽ của trái tim
Thùy Trang nhớ lại: “Năm 2010 tôi tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Năm sau tôi thi đậu biên chế và được phân về dạy ở Trường tiểu học Anh hùng Núp, xã Ia Hrú. Thương bác Nhật vất vả, ngày chủ nhật, thứ bảy nào tôi cũng về nhà và dành toàn bộ thời gian giúp bác. Sống giữa đám trẻ, càng ngày tôi càng cảm nhận được tình yêu thương mà chúng dành cho mình như với một người mẹ. Thế rồi như có một sức hút kỳ lạ, ngày nào tôi cũng bươn bả trên chiếc xe máy đi, về dù nhà cách trường tới 20 km. Từ chỗ chỉ giúp bác Nhật hết việc thì về, dần dà cứ hết giờ dạy là tôi về thẳng trại trẻ rồi ở lại luôn với chúng… Không thể kể hết bao đêm tôi phải thức trắng vì chúng ốm sốt. Nhưng lạ thay, càng vất vả tôi càng cảm nhận được niềm hạnh phúc của một người mẹ dành cho những đứa con. Nhiều lần trong đêm thức giấc bởi những bàn tay quờ quạng, những tiếng ú ớ gọi “mẹ” của chúng, nước mắt tôi cứ trào ra. Và tôi đã thầm cảm ơn “duyên nợ” vì đã cho tôi hạnh phúc này…”.
“Từ hồi trẻ bác Nhật đã chớm bị căn bệnh u não và phải đi chữa trị nhiều lần”, Thùy Trang chia sẻ sau một thoáng im lặng chừng như để nén sự xúc động và kể: “Năm 2019 bệnh cũ của bác lại trở nặng, không còn tự mình làm các công việc chăm sóc các cháu như trước. Và bây giờ là lúc tôi đứng trước sự lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc giã từ bục giảng, hoặc là thay bác Nhật gắn bó trọn đời với những đứa trẻ bất hạnh này… Tôi đã có một đêm thức trắng và khóc rất nhiều. Vụt hiện trong tôi những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò, của những ngày dưới mái trường sư phạm. Bục giảng – đó là tất cả ước mơ và lý tưởng của tôi. Rồi cũng như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác, tôi đã từng mơ về một mái ấm gia đình; mơ những đứa con có đôi mắt, nụ cười giống mình. Vậy mà giờ đây tôi phải giã từ tất cả? Tất nhiên, tôi hoàn toàn có quyền đi theo tiếng gọi hạnh phúc của riêng mình, và bác Nhật cũng không mảy may gợi ý việc tôi thay bác. Nhưng nếu như vậy thì số phận của những đứa trẻ này – đặc biệt là 5 cháu bị thần kinh hay tật nguyền như Cu Thúi, ai sẽ dám chìa tay đón nhận? Chúng sẽ tìm đâu một mái ấm gia đình và ai sẽ cho chúng tiếng “mẹ” thân thương, những cử chỉ quờ quạng đầy tin cậy giữa đêm thức giấc? Chiếc cân vô hình trong tôi cứ lúc nghiêng về mình, lúc nghiêng về đám trẻ đầy bấn loạn, nhưng cuối cùng thì nó đã dứt khoát nghiêng về lý lẽ của trái tim…”.
Tin cô giáo Đinh Thị Thùy Trang làm đơn xin thôi việc để chăm bẵm trại trẻ mồ côi đã khiến đồng nghiệp xôn xao, đặc biệt là với mẹ Thùy Trang, bà Đỗ Thị Bích Ngân. Hai mẹ con đã xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt. “Tuy nhiên điều khiến tôi cảm động và day dứt nhất là những học sinh của lớp tôi. Lúc tôi nói lời chia tay, nhiều em đã ôm chầm lấy tôi và khóc. Tôi đã phải an ủi rất nhiều và nói cho các em hiểu rằng vị trí của cô ở đây sẽ có thầy cô khác thay thế, nhưng các bạn ở trại trẻ mồ côi thì khó ai thay thế được cô”, Thùy Trang mỉm cười nói nhưng tôi có cảm giác trong nụ cười của cô còn vương nước mắt…
Từ ngày có Thùy Trang thay mình, ông Nhật đã hoàn toàn yên tâm chữa bệnh. Tuy nhiên ông cũng rất hiểu gánh nặng mà đứa cháu phải gánh vác thay mình. Hiện tại, mỗi tháng trại trẻ cần đến gần 7 tạ gạo, 5 triệu đồng tiền điện; thức ăn và chi phí khác hơn 20 triệu đồng. Hồi các cháu đến chưa đông, dư được chút vốn, ông cũng mua được 1 ha cà phê. Ông lại còn mua bò cho các cháu lớn chăn. Dù vậy thì cái ăn, cái mặc của bọn trẻ phần lớn vẫn dựa vào sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái. Tuy gần đây tiếng tăm của trại trẻ đã được nhiều tấm lòng từ thiện biết đến nhưng sự giúp đỡ không phải lúc nào cũng có. “Nhìn cháu Trang lúc nào cũng tất bật với đám trẻ, bê trễ cả ăn mặc, quên hẳn phấn son, tôi cũng xót xa lắm. Tuy nhiên tôi cũng thầm cảm ơn trời đất vì đã cho tôi một đứa cháu hiếu thảo, một cơ duyên nối dài. Thực tình là nếu không có cháu Trang, tôi cũng không biết số phận của những đứa trẻ này sẽ ra sao nữa”, ông Nhật nói.
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chày thức đủ vừa năm…”, nhìn Thùy Trang vừa phe phẩy chiếc quạt nan vừa ru cho những Gấu, Bi, Bo vào giấc ngủ trưa, tôi bỗng thấy mắt mình cay cay. Chầm chậm bước chân rời trại trẻ mồ côi, tôi nhận ra một điều: Hạnh phúc ở đời có nhiều gương mặt nhưng đích thực nhất vẫn là hạnh phúc từ lý lẽ của trái tim…