Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm. Điều này làm dấy lên hy vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sớm từ bỏ chính sách tiền tệ thắt chặt, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất nhằm tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế của khu vực tiền tệ chung gồm 20 quốc gia này.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tiến gần mức mục tiêu
Theo Eurostat, trong tháng 11/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Eurozone chỉ tăng 2,4%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự đoán của các nhà phân tích và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6%. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Đáng chú ý, theo Eurostat, mức tăng giá thực phẩm và đồ uống ở Eurozone cũng chậm lại, từ mức 7,4% trong tháng 10 xuống còn 6,9% trong tháng 11, trong khi giá năng lượng tiếp tục giảm 11,5% sau khi đã giảm 11,2% trong tháng trước đó.
Cũng theo số liệu của Eurostat, trong số các nước thành viên Eurozone, Bỉ là quốc gia duy nhất có CPI giảm trong tháng 11, với mức giảm 0,7%. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục chậm lại ở Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – khi giảm từ mức 3,0% trong tháng 10 xuống còn 2,3%.
Trước đó, đa số các nhà phân tích do công ty dữ liệu tài chính FactSet tổng hợp đều dự đoán lạm phát ở Eurozone sẽ giảm tốc, từ mức 2,9% trong tháng 10/2023 xuống còn 2,7% trong tháng 11/2023.
Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, vốn dễ biến động hơn) – chỉ số lạm phát chính của ECB – cũng đã tăng chậm lại, giảm từ mức 4,2% trong tháng 10/2023 xuống còn 3,6% trong tháng 11/2023.
Lạm phát sẽ tiếp tục giảm?
Lạm phát tại Eurozone đã đều đặn giảm sau khi lập đỉnh vào tháng 10/2022. Trong báo cáo Dự báo Kinh tế mùa Thu công bố hồi giữa tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định lạm phát ở Eurozone đang trong xu hướng giảm. EC dự báo lạm phát ở khu vực này sẽ giảm từ 5,6% trong năm 2023 xuống 3,2% năm 2024 và 2,2% năm 2025. Ở quy mô rộng hơn, lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) (bao gồm cả những nền kinh tế không phải thành viên Eurozone) cũng được dự báo giảm từ 6,5% trong năm 2023 xuống còn 3,5% vào năm 2024 và 2,4% vào năm 2025.
Một cửa hàng treo biển hạ giá ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo EC, lạm phát giảm chủ yếu là do giá năng lượng giảm. Hơn nữa, theo EC, xu hướng giảm giá này đã lan rộng sang tất cả các mặt hàng tiêu dùng chính ngoài năng lượng và thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone vẫn còn cao hơn so với mức mục tiêu 2% của ECB. Hơn thế nữa, giới chức ECB tỏ ra khá lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng trở lại do tác động của một cú sốc trên thị trường năng lượng. Ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao về Eurozone của ngân hàng ING, nói: “ECB vẫn lo lắng các yếu tố như tăng trưởng tiền lương và nguy cơ giá năng lượng tăng đột biến có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại”.
Kỳ vọng ECB sẽ sớm giảm lãi suất
Sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, lạm phát ở Eurozone đã liên tục tăng lên mức cao nhất 10,6% vào tháng 10/2022, chủ yếu do giá năng lượng tăng đột biến và sự đứt gãy của nguồn cung nhiên liệu.
Trong nỗ lực kiềm chế đà tăng của lạm phát, ECB đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ vào tháng 7/2022 thông qua việc liên tục tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục. Trong đợt tăng lãi suất gần đây nhất hôm 14/9, ECB đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức 4%. Đây là lần thứ 10 liên tiếp, ngân hàng trung ương của 20 nước thành viên Eurozone tăng lãi suất và là mức lãi suất cao nhất từ trước tới nay ở khu vực này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Eurozone đang trong tình trạng khá ảm đạm, ECB cũng phát đi tín hiệu rằng đợt tăng lãi suất lần này có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng. Trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 10/2023, Hội đồng Quản trị ECB đã quyết định giữ nguyên ba lãi suất chủ chốt.
Với việc lạm phát đã liên tục giảm tốc trong các tháng gần đây và gần chạm mức mục tiêu 2%, không ít chuyên gia phân tích dự báo ECB có thể sẽ sớm từ bỏ chính sách tiền tệ thắt chặt, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất nhằm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của Eurozone.
Ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, nhận định: “Việc lạm phát trong tháng 11/2023 giảm mạnh hơn so với dự báo cũng đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách không thể giữ mãi quan điểm rằng họ không nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”.
“Chúng tôi trông chờ đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6/2024, thay vì tháng 9/2024”, nhà kinh tế Kenningham nói.
Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Colijn dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên “có thể xảy ra trước mùa Hè”./.
Thu Hằng