Tài chính – đầu tư tạo ra hơn 420 tỷ phú cho toàn cầu, với đại diện giàu nhất là Warren Buffett, Chủ tịch CEO Berkshire Hathaway.
Đầu tháng này, tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2024. Năm nay, toàn cầu ghi nhận kỷ lục 2.781 tỷ phú, nhiều hơn 141 người so với năm ngoái. Tài sản của họ cũng lớn nhất từ trước đến nay, với 14.200 tỷ USD, nhờ thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc, bất chấp lạm phát và biến động địa chính trị.
Tỷ phú thế giới làm giàu bằng rất nhiều cách, từ lập quỹ đầu tư mạo hiểm, mở công ty công nghệ đến bán trà sữa, dầu hào. Dù vậy, theo thống kê của Forbes, phần lớn tỷ phú kinh doanh 10 ngành dưới đây:
1. Tài chính – đầu tư
Số tỷ phú: 427.
Tỷ lệ trong danh sách: 15%
Người giàu nhất: Warren Buffett (133 tỷ USD). Ông là Chủ tịch kiêm CEO công ty đầu tư Berkshire Hathaway. Công ty này sở hữu cổ phần trong hơn 60 doanh nghiệp, trong đó có Apple, Duracell và Dairy Queen.
2. Công nghệ
Số tỷ phú: 342
Tỷ lệ trong danh sách: 12%
Người giàu nhất: Jeff Bezos (194 tỷ USD). Ông là nhà sáng lập Amazon, chủ sở hữu tờ Washington Post và công ty hàng không vũ trụ Blue Origin. Cuối năm 2021, Bezos từ chức CEO Amazon và chỉ giữ chức Chủ tịch.
3. Sản xuất
Số tỷ phú: 328
Tỷ lệ trong danh sách: 12%
Người giàu nhất: Reinhold Wuerth (33,6 tỷ USD). Ông là Chủ tịch hãng sản xuất thiết bị cơ khí – kim loại Wuerth Group. Tỷ phú tham gia vào việc kinh doanh của gia đình từ năm 14 tuổi và tiếp quản công ty khi mới 19 tuổi.
4. Thời trang – Bán lẻ
Số tỷ phú: 285
Tỷ lệ trong danh sách: 10%
Người giàu nhất: Bernard Arnault (233 tỷ USD). Ông là Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH. Hãng này hiện sở hữu 75 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm, như Sephora, Tiffany & Co, Givenchy, Christian Dior, Dom Perignon và Moët Hennessy.
Arnault hiện cũng là người giàu nhất thế giới.
5. Thực phẩm – Đồ uống
Số tỷ phú: 210
Tỷ lệ trong danh sách: 8%
Người giàu nhất: Zhong Shanshan (62,3 tỷ USD). Ông là Chủ tịch hãng nước đóng chai Nongfu Spring. Ngoài ra, Zhong còn kiểm soát hãng dược phẩm Beijing Wantai Biological Pharmacy. Ông hiện là người giàu nhất Trung Quốc.
6. Đa ngành
Số tỷ phú: 201
Tỷ lệ trong danh sách: 7%
Người giàu nhất: Mukesh Ambani (116 tỷ USD). Tỷ phú Ấn Độ hiện là Chủ tịch Reliance Industries, kinh doanh nhiều mảng từ hóa dầu, khí đốt, dầu mỏ, bán lẻ đến viễn thông. Vài năm gần đây, việc kinh doanh của Ambani phát đạt, giúp ông liên tục thăng hạng trong danh sách người giàu thế giới.
7. Y tế
Số tỷ phú: 197
Tỷ lệ trong danh sách: 7%
Người giàu nhất: Dilip Shanghvi (22,6 tỷ USD). Ông là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Sun Pharmaceutical Industries – hãng dược phẩm giá trị nhất Ấn Độ.
8. Bất động sản
Số tỷ phú: 190
Tỷ lệ trong danh sách: 7%
Người giàu nhất: Lee Shau Kee (27,7 tỷ USD). Ông là người đồng sáng lập Sun Hung Kai và Henderson Land Development – hai hãng bất động sản thuộc top lớn nhất Hong Kong (Trung Quốc).
9. Truyền thông – Giải trí
Số tỷ phú: 104
Tỷ lệ trong danh sách: 4%
Người giàu nhất: Rupert Murdoch (19,5 tỷ USD). Ông trùm truyền thông năm nay 93 tuổi. Mudoch là người gây dựng News Corp – một trong những đế chế truyền thông lớn nhất thế giới, sở hữu các tờ Wall Street Journal, Times of London, New Yorrk Post…
10. Năng lượng
Số tỷ phú: 98
Tỷ lệ trong danh sách: 4%
Người giàu nhất: Harold Hamm (18,5 tỷ USD). Ông là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Continental Resources – một trong những hãng dầu mỏ tư nhân lớn nhất Mỹ. Harold Hamm năm nay 78 tuổi.
Hà Thu (theo Forbes)