SGGP
– Có cái lạ là nhiều cầu bộ hành ở nội đô được xây mà không có mấy người đi. Ngay cả những chỗ gần chợ, bệnh viện, trường đại học hay công viên, cầu bộ hành cũng vắng bóng người. Lý do vì sao?
– Bất tiện thì người ta không ưng, chỉ vậy thôi. Ý định xây cầu bộ hành nơi có mật độ giao thông cao là để bảo vệ người đi bộ. Nhưng họ lại thấy là bậc thang cầu cao, dốc, khó đi. Trong khi đó, băng đại qua bên kia thì lẹ mà tiện hơn nhiều.
– Giữa lẹ với tai nạn gây thương tật hoặc thiệt mạng, cái nào đáng giá hơn?
– Đó là lý sự thôi, còn thực tế hàng ngày lại khác. Khi cầu bộ hành khó xài với đa số, người ta sẽ bỏ qua. Theo các chuyên gia giao thông, ở hầu hết các nước, cầu bộ hành đều có “số phận” tương tự. Xét về quy hoạch và tổ chức giao thông, bài bản phải là tạo sự dễ dàng và an toàn ở điểm có nhu cầu đi bộ lớn. Như vậy, cần bố trí đèn giao thông để nhiều người đi bộ có thể di chuyển trên mặt đất.
– Tức là vị trí xây cầu bộ hành đang trật chìa?
– Đánh giá của người am hiểu về quy hoạch giao thông đô thị là vậy. Thuận tiện, an toàn cho người dân là điều lớn nhất, chứ không phải là ước đoán mô hình giao thông hoặc vội vã xây để kịp giải ngân. Chuyện nào thực tế cho thấy không phù hợp thì phải sớm làm lại cho vừa.