Sốt xảy ra khi thân nhiệt vượt mức 37 độ C. Sốt kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và suy yếu. Trong nhiều trường hợp, sốt sẽ kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, ớn lạnh. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh còn bị mê sảng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Những cơn sốt thông thường có thể tự khỏi sau 24 giờ. Nhưng một số trường hợp có thể sốt dai dẳng kéo dài từ 10-14 ngày. Với những cơn sốt nhẹ, người bệnh có thể dùng một số loại thuốc không kê đơn để giúp cơn sốt mau khỏi.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi thì không được tự ý cho uống bất kỳ loại thuốc nào mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho uống.
Cơ thể thường sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn khi bị sốt. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Ngoài nước lọc, người bệnh cũng có thể uống sữa, nước dừa và nước ép trái cây. Các loại nước ép có nguồn gốc thực vật còn chứa vitamin và nhiều dưỡng chất có lợi khác, giúp tăng cường miễn dịch.
Trong khi có, các loại thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê, soda hoặc nước tăng lực cần phải tránh. Caffeine sẽ kích thích đào thải nước ra ngoài, khiến đi tiểu nhiều hơn, từ đó làm cơ thể dễ bị mất nước và cản trở quá trình phục hồi.
Nếu sau 24 giờ mà cơn sốt không thuyên giảm, thậm chí sốt cao hơn thì cần đến bác sĩ kiểm tra ngay. Trên thực tế, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể khi bị viêm nhiễm, chẳng hạn như bị cảm lạnh hoặc cúm.
Tuy nhiên, một số nguyên nhân có thể khiến cơn sốt kéo dài không hết và cần được bác sĩ chẩn đoán, điều trị. Những căn bệnh này thường là nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, căng thẳng, bệnh tuyến giáp hay bệnh lao.
Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp là một trong những loại bệnh gây sốt phổ biến nhất. Nhiệt độ cơ thể tăng lên khi sốt có thể giúp tiêu diệt một phần vi khuẩn, virus gây bệnh.
Những loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp là cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản hay viêm phổi, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lam-gi-neu-sot-keo-dai-hon-24-gio-khong-khoi-18524091713224006.htm