Trong khoảng lặng trước bão tố, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực ngoại giao phút chót để trì hoãn, ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông.
Những người ủng hộ lực lượng Houthi cầm súng bên cạnh ảnh của thủ lĩnh Hamas bị ám sát Ismail Haniyeh, trong cuộc diễu hành thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza, tại Sanaa, Yemen. (Nguồn: Reuters). |
Nỗ lực phút chót
Nhiều nước lên án hành động gây căng thẳng, kêu gọi các bên kiềm chế. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov điện đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty, thảo luận về nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, ngăn chặn Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột.
Trong điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Quốc vương Jordan Abdallah ll kêu gọi các bên “nỗ lực hơn nữa”, tránh cho khu vực “rơi vào hỗn loạn” và “cần chặn đứng các hành động đơn phương của Israel có thể đổ thêm dầu vào lửa”.
Ngày 4/8, Ngoại trưởng Jordan, Ayman Safadi tới Iran, gặp Tổng thống Masoud Pezeshkian và quyền Ngoại trưởng Ali Bagheri Kani nhằm tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh. Jordan là đồng minh của Mỹ, nên được kỳ vọng làm cầu nối, chuyển tải thông điệp giữa phương Tây và Iran.
Có tin nói, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc nhở Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu ngừng động thái làm tăng nhiệt ở khu vực; đồng thời vừa cảnh báo vừa thuyết phục Tổng thống Masoud Pezeshkian, “nếu Iran kiềm chế, sẽ có cơ hội tốt hơn trong cải thiện quan hệ với phương Tây!”
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tăng cường lực lượng ở khu vực, sẵn sàng bảo vệ Israel. Trước đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây coi Hamas là “tổ chức khủng bố”, gián tiếp biện minh cho hành động của Israel. Bất chấp Liên hợp quốc kêu gọi điều tra hành vi phạm tội ác chiến tranh của cả Israel và Hamas. Sẽ khó khách quan, làm trung gian hòa giải nếu thiên lệch một bên.
Động thái của hai đối thủ
Lãnh đạo Iran khẳng định vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran là hành động vượt quá nhiều giới hạn đỏ và giờ đây không còn chỗ cho sự thỏa hiệp. Tehran thảo luận với Hamas, Hezbollah, Houthi… về biện pháp đáp trả và phối hợp hành động; kêu gọi triệu tập một cuộc họp của Tổ chức Hồi giáo, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt Israel.
Động thái cho thấy Iran đang quyết tâm hành động. Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người có thẩm quyền tối cao ở Iran thiên về quan điểm cứng rắn đã phát lệnh tấn công Israel. Nhiều lãnh đạo Iran cho rằng càng kiềm chế, càng kích thích Israel lấn tới. Nếu Iran và đồng minh quyết tâm trả đũa, thì khả năng quy mô, hình thức tấn công sẽ lớn hơn, ác liệt hơn cuộc tấn công trả đũa Iran cách đây gần bốn tháng.
Israel cũng đang chuẩn bị mọi mặt, xây dựng boongke trú ẩn cho các nhà lãnh đạo, đối mặt với cuộc chiến tranh đa hướng, đa mặt trận, thậm chí sẵn sàng tấn công phủ đầu, khi Iran tập trung lực lượng. Có tin nói người đứng đầu Mossad, cơ quan tình báo hải ngoại và cơ quan tình báo nội địa Shin Bet của Israel cáo buộc Thủ tướng Benyamin Netanyahu làm mọi cách để chống lại việc ký kết một thỏa thuận với Hamas. Nhưng xem ra, phe chủ chiến đang chiếm ưu thế.
Tháo được ngòi nổ?
Trung Đông đang ở trạng thái đạn đã lên nòng, chốt an toàn đã được tháo. Nhiều người tin rằng thời điểm tháo gỡ đã muộn, cuộc tấn công trả đũa của Iran và đồng minh sẽ diễn ra, chỉ chưa rõ quy mô, hình thức thế nào mà thôi!
Một số nước vẫn nỗ lực ngoại giao phút chót với hy vọng ngăn chặn thảm họa. Cơ sở của họ là lãnh đạo Iran vẫn “mập mờ” về tác giả vụ sát hại thủ lĩnh Hamas! Tehran và đồng minh đang cân nhắc hậu quả, chưa dứt khoát về thời gian, quy mô, hình thức tấn công trả đũa!
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/8 kêu gọi tất cả các bên ở Trung Đông tránh leo thang. Ông Blinken cho biết nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đồng thời hối thúc Israel và Hamas phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực thông qua lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, theo tuyên bố chung cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein đồng ý thực hiện mọi nỗ lực để tránh leo thang trong khu vực. Italy hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/8, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ al-Sudani nhấn mạnh, hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza và giữa Israel với Hezbollah ở Lebanon.
Điều đó rất đúng, nhưng là chuyện lâu dài. Ưu tiên trước mắt là tháo gỡ ngay ngòi nổ cuộc tấn công trả đũa của Iran và đồng minh và hành động đáp trả của Israel. Phương án được cho là dễ được chấp nhận nhất là cuộc tấn công trả đũa vẫn diễn ra nhưng với quy mô kiềm chế.
Muốn vậy, phương Tây phải nỗ lực thuyết phục, thậm chí mặc cả biện pháp nhượng bộ, nếu Iran kiềm chế. Mọi con mắt đang dồn về Mỹ và đồng minh thân cận ở Trung Đông. Thế giới, khu vực đang nín thở. Israel tuyên bố cứng nhưng có phần phấp phỏng trước giờ xung đột bùng nổ.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lam-gi-luc-nay-o-trung-dong-281930.html