Ngày 24-11, Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế TP HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển sản phẩm du lịch y tế trên địa bàn giai đoạn 2017-2023 và phương hướng thực hiện năm 2024-2030.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết năm 2023 đã ghi nhận sự khởi sắc của sản phẩm du lịch y tế với nhiều hoạt động được triển khai như: 30 chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế; tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan…
Theo các chuyên gia, tiềm năng về du lịch y tế ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, là rất lớn.
Viện Y dược học Dân tộc giới thiệu sản phẩm du lịch y tế tới du khách trong một sự kiện
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay Thái Lan, Singapore và Malaysia dẫn đầu các nước trong khu vực về điểm đến thu hút một số lượng lớn khách du lịch để khám chữa bệnh.
Với Việt Nam, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm – Công ty du lịch Vietravel, nhận định có nhiều tiềm năng trong việc phát triển loại hình du lịch y tế, tập trung vào chăm sóc sức khỏe định kỳ; phục hồi và nghỉ dưỡng; phẫu thuật và điều trị chuyên sâu đặc biệt là vật lý trị liệu – cơ xương khớp – y học cổ truyền; chăm sóc nha khoa; điều trị hiếm muộn…
Một số thống kê được công bố cho thấy ước tính mỗi năm, du lịch y tế có thể thu hút khoảng 300.000 lượt khách tới khám; 57.000 người điều trị với doanh thu 22 tỉ USD, trong đó 40% lượt khách đến từ TP HCM.
Có điều, loại hình du lịch y tế tại Việt Nam phần lớn sẽ phù hợp với thị phần khách quốc tế hơn khách nội địa. Nhưng các sản phẩm du lịch y tế lại chưa được du khách quốc tế biết đến nhiều.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng đánh giá sản phẩm du lịch y tế của TP HCM vẫn thiếu nguồn nhân lực thông thạo các ngôn ngữ về chuyên ngành y tế; công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch y tế chưa chuyên nghiệp, thường xuyên. Hầu hết bệnh viện tại thành phố chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh…
Với mục tiêu TP HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề xuất triển khai 7 nhóm giải pháp. Cụ thể: hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo của ngành y tế; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao; phát triển du lịch y tế, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng; xây dựng mạng lưới cơ sở chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật.