Để hoạt động xây dựng mang lại hiệu quả, tiết kiệm cần phải có sự đồng bộ về pháp lý và ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng).
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của hoạt động xây dựng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội?
– Hoạt động đầu tư xây dựng là lĩnh vực quan trọng, tạo ra động lực, tài sản cố định phát triển kinh tế đất nước và cơ sở hạ tầng cho người dân. Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, tổng đầu tư xây dựng ước đạt khoảng 27,5% GDP, trong đó, điểm sáng đầu tư công dẫn dắt tổng cầu, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ước đạt 10%; đầu tư xây dựng sử dụng vốn FDI ước đạt 14.8%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là đầu tư khu vực tư nhân đang còn trì trệ. Qua tổng kết đánh giá việc thực thi pháp luật năm 2024, Cục Quản lý hoạt động xây dựng thấy vẫn còn tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, chấn chỉnh kịp thời để thúc đẩy đầu tư xây dựng, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Những tồn tại, vướng mắc mà ông muốn nhắc đến ở đây là gì?
– Vướng mắc lớn nhất đó là sự chồng chéo về pháp lý, hiện nay hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều tiết của nhiều luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Nhà ở…), một số nội dung chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; dự án đầu tư xây dựng thường trải qua thời gian dài, pháp luật có điều chỉnh, việc chuyển tiếp qua các thời kỳ gây nhiều vướng mắc trong áp dụng tại thời điểm hiện tại.
Quá trình xung đột pháp luật và quy định thiếu rõ ràng được xem là một rào cản, là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực thi pháp luật nói chung và hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng. Điều này dẫn đến một số trường hợp cán bộ phải trì hoãn, kéo dài thời gian để xin ý kiến hoặc từ chối giải quyết một số thủ tục đầu tư, mặc dù các trường hợp này đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, dẫn đến việc lập, tổ chức thực hiện quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng bị chậm lại.
Thứ hai, là một số quy định trong pháp luật quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn bất cập như: quy định về công trình ngầm trong các cấp độ quy hoạch; việc tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm dẫn đến thiếu cơ sở để xác định dự án đầu tư xây dựng hoặc thiếu nội dung (như xác định quy mô công trình ngầm tại quy hoạch phân khu), hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc tuân thủ giữa các cấp độ của các đồ án quy hoạch… dẫn đến một số dự án phải dừng chờ điều chỉnh hoặc bổ sung quy hoạch.
Thứ ba, là thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài do phải thực hiện các khâu thẩm định, thẩm duyệt, cấp phép tại cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cập nhật những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn mới các cơ quan chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế cũng là vấn đề làm chậm quá trình chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong lập, thẩm định, quản lý dự án và thi công công trình còn yếu cả phía chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ tư, là việc cấp phép xây dựng loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở một số địa phương còn lúng túng trong kiểm soát và quản lý; xuất hiện tình trạng lợi dụng để hợp thức hóa cho loại hình này dẫn đến mất kiểm soát, không đảm bảo an toàn, mà điển hình vụ cháy chung cư ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua.
Thứ năm, là vẫn còn tình trạng đầu tư dự án thiếu đồng bộ, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thậm chí các dự án đầu tư dở dang theo từng phần nhưng không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn…
Vậy đâu là giải pháp để giải quyết những vấn đề nêu trên, thưa ông?
– Những năm tiếp theo dự báo có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Để đạt các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm gồm: Giải quyết xung đột pháp luật, tạo môi trường đầu tư thông thoáng được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vừa qua, chúng ta thường dùng đơn thuốc “một Luật sửa nhiều Luật” là cần thiết nhưng mang tính ngắn hạn, không giải quyết được triệt để vấn đề và thậm chí cách làm này về lâu dài làm ảnh hưởng đến tính hệ thống và đồng bộ của từng đạo luật.
Thay vì cách làm này, cần quán triệt, kiểm soát và thống nhất cách xây dựng luật và hiểu các quy định trong từng đạo luật chỉ trong phạm vi, đối tượng của luật đó, trường hợp có xung đột giữa các quy định cần ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành thay vì ưu tiên luật có hiệu lực sau như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hiện nay.
Đồng thời, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, cơ sở lập dự án, cấp giấy phép xây dựng cho loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; làm rõ nội dung, chỉ tiêu quy hoạch theo từng cấp độ quy hoạch… Đối với UBND cấp tỉnh cần tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin, thống nhất nguyên tắc tuân thủ, đồng bộ giữa các cấp độ của các đồ án quy hoạch.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật về đầu tư xây dựng theo hướng tiếp tục rà soát thủ tục hành chính không thật sự cần thiết phải thực hiện ở tiền kiểm để chuyển hậu kiểm hoặc loại bỏ nếu trùng lặp ở các bước thực hiện dự án. Làm rõ nội dung cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định gắn với mục tiêu Nhà nước cần quản lý; phân quyền gắn với trách nhiệm người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức tư vấn.
Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy định quản lý năng lực hoạt động xây dựng nhằm sàng lọc, phân hạng cá nhân hành nghề xây dựng, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng đúng năng lực để nâng cao chất lượng hồ sơ dự án, thiết kế và chất lượng công trình xây dựng. Rà soát các quy định nhằm khắc phục việc đầu tư dự án thiếu đồng bộ, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lãng phí nguồn lực đầu tư. Tiếp tục phân cấp một số loại, cấp công trình/dự án cho Sở quản lý xây dựng chuyên ngành ở địa phương để đảm bảo đồng bộ cấp quản lý theo từng bước thực hiện dự án ở T.Ư và địa phương.
Cần chú trọng trong công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác cấp Giấy phép xây dựng, quản lý TTXD theo giấy phép, đặc biệt là công tác rà soát những yêu cầu về PCCC; chỉ cấp phép kinh doanh hoạt động khi công trình đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu xây dựng các quy định, quy trình quản lý và cơ sở vật chất, phần mềm để đảm bảo lộ trình áp dụng quy trình xây dựng mô hình thông tin (Building Information Modeling – BIM) trong công tác tiếp nhận hồ sơ, thẩm định dự án, thiết kế nhằm rút ngắn thời gian, giảm thiểu xung đột, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư xây dựng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-4-lam-gi-de-hoat-dong-xay-dung-duoc-hieu-qua-tiet-kiem.html