Ngày 17/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững.”
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024, được tổ chức sau lễ khai mạc, góp phần tiếp tục triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch nói chung cũng như khai thác các tiềm năng, phát triển lợi thế du lịch bền vững tại tỉnh Điện Biên nói riêng.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Lữ hành Việt Nam, Khách sạn Việt Nam; các công ty, doanh nghiệp, lữ hành; các nhà nghiên cứu, khoa học đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng mỗi địa phương phải có sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu, phát triển phải đồng đều, chú trọng về liên kết. Vì vậy trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Điện Biên, Hội thảo được tổ chức là dịp lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của những người hoạt động thực tiễn để đóng góp thiết thực vào phát triển du lịch của cả nước nói chung, Điện Biên nói riêng.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch Điện Biên trong những năm qua để định hướng phát triển du lịch Điện Biên bền vững, làm rõ lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo, khác biệt; áp dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số trong phát triển du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ. Có như vậy, du lịch Điện Biên mới thực sự cất cánh, định vị lại Điện Biên trong bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới…
Chia sẻ về bức tranh du lịch của Điện Biên tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết, Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế, với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nền văn hóa đa dân tộc, phong phú, cảnh sắc hùng vĩ… Năm 2023, tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, các kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn; quy mô hoạt động du lịch còn nhỏ.
Khẳng định mong muốn tìm ra lời giải cho câu hỏi: Cần làm gì để du lịch Điện Biên thực sự phát triển?, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên kỳ vọng hội thảo khoa học này sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong ngành du lịch phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch, hiệu quả những nguồn lực phát triển du lịch trong tổng thể bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh Điện Biên; đánh giá những kết quả đạt được.
Đặc biệt, làm rõ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong phát triển du lịch Điện Biên; dự báo những yếu tố tác động, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phát huy và khai thác một cách hiệu quả những giá trị cốt lõi của Điện Biên để phát triển du lịch, thu hút và làm hài lòng khách du lịch, định hướng phát triển du lịch Điện Biên toàn diện, nhanh và bền vững.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Điện Biên vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng có nhiều tiềm năng, lợi thế có thể phát huy. Vì vậy, nếu Điện Biên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì điều quan trọng nhất là phải phát hiện, khơi dậy và phát triển mạnh mẽ những tiềm năng còn tiềm ẩn.
Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Thủ tướng “đặt hàng” các đại biểu đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Cụ thể Điện Biên có tiềm năng gì, làm thế nào để tài nguyên ấy phát huy giá trị, tạo được sự kết nối, tìm được nhà đầu tư, nhà thiết kế tạo ra sự hấp dẫn lớn hơn?
Đối với tỉnh Điện Biên, trong quá trình phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm thực hiện: Thứ nhất, cần phải chỉ ra cho được những thách thức đối với lĩnh vực du lịch để từ đó có giải pháp vượt qua khó khăn thách thức. Thứ hai, phải xây dựng được những giải pháp có tính chìa khóa, định hướng, chiến lược, đột phá để phát triển lĩnh vực du lịch.
Thứ ba, phải quan tâm lựa chọn, giới thiệu những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa mang tính đặc sắc, đặc sản của địa phương, nhưng phải gắn với giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Thứ tư, phải nhanh chóng kết nối được du lịch của Điện Biên với mạng lưới du lịch quốc gia và quốc tế. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và thời đại bủng nổ thông tin toàn cầu để giới thiệu, quảng bá về giá trị du lịch, văn hóa, lịch sử của Điện Biên, từ đó tạo nguồn cảm hứng, thu hút nhiều hơn du khách.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Điện Biên cần xác định đẩy mạnh liên kết 4 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà quản lý, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông) trong phát triển du lịch, trên cơ sở lấy mô hình du lịch cộng đồng làm trung tâm, gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch các-bon.
Với mục tiêu lắng nghe đề xuất, góp ý để khai thác, phát triển du lịch, Hội thảo thu hút nhiều lượt thảo luận, trao đổi cùng hơn 80 bài tham luận chất lượng từ người quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia ở Trung ương và địa phương. Trong đó làm rõ, phân tích sâu, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch Điện Biên; các yếu tố tác động, cơ hội và thách thức; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp như đẩy mạnh khai thác những giá trị kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, phát triển sản phẩm du lịch gắn với giá trị tự nhiên.
Ngọc Tân – Mạnh Quốc