Chiều 24.8, tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), UBND TP.HCM và 5 tỉnh Tây nguyên, gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum cùng tổ chức Hội nghị thảo luận, thống nhất kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh Tây nguyên năm 2023, giai đoạn 2024 – 2025.
Nhiều tiềm năng bị “ngủ quên”
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định đây là sự kiện lớn mà tỉnh này có vinh dự được làm “sân nhà”. Ông cũng chia sẻ vì địa phương chưa có sân bay nên các tỉnh bạn phải di chuyển một quãng đường xa để đến tham dự.
Theo ông Mười, Tây nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đang có rất nhiều tiềm năng bị ‘ngủ quên’. Điển hình nhất là khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, diện tích rừng chiếm phần lớn trên cả nước.
Cách hội trường (nơi tổ chức hội nghị – PV) khoảng 500m đã có các vườn cà phê tốt tươi; rừng cũng chỉ cách đó khoảng 1 km. “Hệ thống ao, hồ, sông, suối thì đa dạng. Các anh, chị đến Đắk Nông có thấy khung cảnh ở đây còn hoang sơ, mát mẻ dễ chịu không?”, ông Mười hỏi
Nói về khoáng sản, ông Mười cho biết trữ lượng bôxit ở địa phương rất lớn, chiếm khoảng 60% trữ lượng cả nước. “Tiềm năng về bôxit rất lớn nhưng cũng là trở ngại của địa phương (chiếm khoảng 1/3 diện tích tỉnh). Vì hiện tỉnh triển khai cái gì hầu hết cũng ‘đụng’ trúng khu vực quy hoạch bôxit. Làm cái gì cũng vướng hết cả”, ông Mười nêu thực trạng.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, ngoài các tiềm năng để phát triển du lịch, các tỉnh Tây nguyên còn có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc. “Các tỉnh Tây nguyên đã chiếm khoảng 2/3 diện tích đất đỏ bazan trên cả nước. Diện tích rừng, đa dạng sinh học đều rất lớn”, ông S dẫn chứng về các tiềm năng và chia sẻ thêm, sắp tới, Lâm Đồng sẽ xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố Di sản thế giới.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh Tây nguyên có nhiều tiềm năng phát triển đang bị “ngủ quên”, nên cần có sự kết nối, giúp đỡ và hợp tác giữa TP.HCM, là đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước với các tỉnh Tây nguyên, nhằm góp phần đánh thức các tiềm năng đó.
“TP.HCM không để các tỉnh bơi một mình”
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các tỉnh Tây nguyên, nhằm đánh thức các tiềm năng đang “ngủ quên”.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng mỗi năm, các tỉnh cần tổ chức một lễ hội văn hóa đặc sắc tại địa phương. Nếu như Lâm Đồng tổ chức lễ hội Festival hoa Đà Lạt, thì sắp tới Kon Tum sẽ tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh. Ở Đắk Lắk có lễ hội cà phê, sắp tới Gia Lai sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng, và Đắk Nông cũng tính toán tổ chức một lễ hội về văn hóa địa phương. Về vấn đề này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết sắp tới tỉnh sẽ tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm.
Ông Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh, các tỉnh phải mạnh dạn thực hiện, vì TP.HCM sẽ hỗ trợ, dẫn dắt, không để các địa phương đơn thương độc mã. “Tiềm năng đang chờ đánh thức. Đừng sợ! Chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc để các tỉnh tự bơi. Các lễ hội văn hóa phải “đẳng cấp” hơn nữa. Ngoài việc phục vụ cho bà con địa phương, các lễ hội phải được nâng cao uy tín và mức độ nổi tiếng”, ông Hoan khẳng định.
Nói về tiềm năng phát triển du lịch của Đắk Nông nói riêng và Tây nguyên nói chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM gợi ý hằng năm, Đắk Nông nên xây dựng “gian hàng du lịch” của các tỉnh Tây nguyên tại Đắk Nông.
“Khi đó sẽ tổ chức tour cho khách du lịch. Kể cả các nhà đầu tư cũng về và được trải nghiệm thực tế tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, hoặc là hồ Tà Đùng chẳng hạn”, ông Hoan gợi ý.
Trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh Tây nguyên tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại địa phương; chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư – thương mại, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong năm 2024 – 2025, UBND TP.HCM và các tỉnh Tây nguyên sẽ hợp tác phát triển trên 5 lĩnh vực, gồm: phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; lĩnh vực nông nghiệp.