116 trong số 135 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng do công an xử lý trong quý I/2023 liên quan tới lạm dụng tình dục như dụ dỗ quan hệ, trình diễn khiêu dâm.
Tại hội thảo Trẻ em trong thế giới số – Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội ngày 24/5, thượng úy Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) cho biết ngoài số bị lạm dụng tình dục, có 13 vụ đăng tải thông tin trẻ bị bạo lực học đường, làm nhục trên mạng; 4 vụ phát tán văn hóa phẩm độc hại cho trẻ em và 2 vụ thông qua mạng xã hội dụ dỗ trẻ bỏ nhà đi, tham gia tệ nạn. Ngoài ra, khoảng 10.000 trang mạng có nội dung độc hại đã bị cơ quan công an ngăn chặn.
Theo thượng úy Thịnh, trong các thống kê định kỳ, xâm hại và lạm dụng tình dục luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Các vụ được phát hiện là phần nhỏ song phản ánh tình trạng trẻ em đang đối mặt nhiều nguy cơ như bị thu thập thông tin cá nhân vào mục đích phạm tội, nạn nhân của buôn người hay của các loại tội phạm công nghệ cao, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen qua mạng. Điển hình như vụ phụ huynh bị lừa chuyển tiền sau khi nhận cuộc gọi hoang báo “con đang cấp cứu”.
Phần lớn vụ được phát hiện qua mạng lưới 850 cộng tác viên trên cả nước hoặc Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. “Sau khi xác minh thông tin, A05 ưu tiên chuyển công an địa phương các vụ cần xử lý nhanh, khẩn trương. Bởi hình ảnh, thông tin xâm hại trên môi trường mạng dễ biến mất sau một cú nhấp chuột”, thượng úy Thịnh nói.
Ông Thịnh dẫn chứng vụ gần nhất cuối tháng 4, cơ quan này đã tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111 về một nữ sinh 14 tuổi ở Hà Nội bị thanh niên 22 tuổi quen qua mạng đến nhà chơi và xâm hại tình dục. Từ thông tin A05 đã xác minh, công an Hà Nội tiếp xúc nạn nhân, động viên gia đình viết đơn trình báo. Kẻ xâm hại sau đó bị khởi tố về hành vi Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
“Số vụ xâm hại và lạm dụng tình dục tăng cao một phần do trẻ em Việt Nam được tiếp cận môi trường mạng sớm”, thượng úy Thịnh nói, dẫn số liệu khảo sát năm 2022 của Google cho biết trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi và đang có xu hướng giảm xuống 7 tuổi, sớm hơn thế giới 4-6 năm. Trong khi đó, phải từ 13 tuổi, trẻ em Việt Nam mới được tiếp cận kỹ năng an toàn trên không gian mạng.
Ngoài bị xâm hại, lạm dụng trên môi trường số, trẻ em Việt Nam cũng đối mặt nguy cơ bị bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng. Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller dẫn báo cáo của cơ quan này cho kết quả cứ 5 thanh thiếu niên Việt Nam có một em bị bắt nạt trên mạng và phần lớn không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. “Tình trạng bắt nạt lẫn sử dụng quá mức mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lẫn tinh thần, tạo nên những rủi ro, thậm chí tự tử ở trẻ em”, bà nói và cảnh báo người lớn cần sớm nhận biết những rủi ro này để tạo cơ chế bảo vệ trẻ em, đặc biệt cần có ứng phó ở cấp quốc gia.
Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần rà soát quy định, nhất là pháp luật hình sự bởi thực tế phát sinh nhiều hành vi bạo lực, xâm hại chưa được ghi nhận trong luật. Hệ thống ứng phó cũng cần sự vào cuộc của doanh nghiệp công nghệ tư nhân để lọc, chặn, xóa hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em bị rò rỉ liên quan đến xâm hại, bóc lột; phát triển các sản phẩm trực tuyến mang tính giáo dục trẻ em.
Chung quan điểm, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh hình ảnh, nội dung liên quan đến xâm hại, bắt nạt qua mạng bị rò rỉ có thể để lại ám ảnh lâu dài, thậm chí khiến trẻ em “tự hủy hoại cuộc đời”. “Các vụ nổi lên thời gian qua càng cho thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách, quy định lẫn mạng lưới bảo vệ, ứng cứu trẻ em”, bà nói.
Dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại: Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng do UNICEF và một số cơ quan thực hiện công bố năm 2022 cho kết quả 23% trẻ 12 -17 tuổi tham gia khảo sát nói đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng; 5% nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm không mong muốn; 2% được yêu cầu nói chuyện về tình dục.
Phần lớn trẻ em nói từng bị bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc này hoặc chỉ kể với một người bạn. Các em hầu như không nói với người chăm sóc hoặc tìm trợ giúp vì cho rằng “chẳng giải quyết được gì” và lo ngại hậu quả khi tiết lộ thông tin thủ phạm.
Cùng năm 2022, số cuộc gọi mà Tổng đài 111 hỗ trợ can thiệp là 1.561, tăng 24% so với năm 2021. Trong số ca nhân viên tổng đài can thiệp – kiểm tra thông tin, thông báo với lực lượng chức năng, có 888 ca về bạo lực trẻ em. Đây là năm mà số ca cần can thiệp cao nhất trong 18 năm hoạt động.
Hồng Chiêu