Cần khai thác hiệu quả các lễ hội của cộng đồng DTTS. (Nguồn: TT Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị) |
(PLVN) – Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có lễ hội gắn với từng vùng đất mang đến những nét đặc sắc và hấp dẫn riêng từ trang phục, ẩm thực truyền thống đến nghi thức, nghi lễ. Các lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, còn mà là tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội.
Trong tháng 11 sắp tới, Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 diễn ra trong 7 ngày. Được biết, đây là chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, nhất là các hoạt động văn hóa lễ hội. Qua đó, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Trong tháng 10, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tổ chức Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê”. Chương trình nhằm hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk…
Thực tế, người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam chiếm đến gần 20% tổng dân số. Trong đó, nhiều dân tộc hiện nay vẫn giữ các những nét đẹp văn hóa độc đáo. Việc tổ chức các lễ hội tái hiện lại những nét văn hóa của các dân tộc, qua đó cộng đồng DTTS được giao lưu, học hỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thông qua các lễ hội, tiềm năng du lịch của nhiều tỉnh địa phương ngày càng phát triển. Trong đó, một số lễ hội đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch để du khách tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Khi khách du lịch đến với lễ hội sẽ kéo theo một số nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí.
Theo Bộ VH,TT&DL toàn quốc có hơn 7.900 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian nhiều nhất với trên 7.000, trung bình khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong ngày. Từ việc có quá nhiều lễ hội, dễ dàng nhận thấy một số vấn đề trong xu hướng biến đổi lễ hội, như: thương mại hóa thái quá trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống; mê tín dị đoan diễn ra ở nhiều lễ hội, mọi quy mô lớn nhỏ khác nhau; một số hủ tục phục hồi cùng với sự phục hồi của các lễ hội truyền thống, một số các tệ nạn xã hội và các dịch vụ ăn theo lễ hội khác nảy sinh…
Từ thực tế này, Bộ VH,TT&DL đã có Công văn số 3732/BVHTTDL-VHCS đề nghị UBND các tỉnh, TP chủ động tăng cường quản lý hoạt động văn hóa cơ sở, trong đó có việc sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác tổ chức lễ hội… Bộ đã đề nghị các địa phương chủ động đưa ra những giải pháp sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Khắc phục tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương đã được đầu tư nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoạt động, hoặc chưa phát huy hết công năng.
Như vậy, để những ngày hội tôn vinh bản sắc của các cộng đồng DTTS phát huy được hết tiềm năng, cần được đầu tư, quản lý chặt chẽ, phải tạo ra những không gian riêng biệt, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng, nét đẹp độc đáo của dân tộc mình.
Nguồn: https://baophapluat.vn/lam-du-lich-tu-goc-nhin-le-hoi-mang-ban-sac-cac-dan-toc-vung-mien-post529953.html