(NLĐO) – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc quy hoạch và xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025 sắp tới
Tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Lâm Đồng, ngày 12-10, đại biểu HĐND đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình về trách nhiệm và giải pháp của ngành trong việc hoạt động của 2 nhà máy xử lý rác (NMXLR) ở Đà Lạt và Bảo Lộc có nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí nhiều lần thông tin về 2 NMXLR ở xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) của Công ty Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh và xã Đạ Lào ( TP Bảo Lộc) của Công ty cổ phần Môi trường xanh Friendly nhiều lần lâm vào tình trạng ngưng tiếp nhận rác, gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường, nợ lương công nhân.
Ông Nguyễn Văn Trãi, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh có 3 NMXLR với hình thức đốt rác ở xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) và ở huyện Đức Trọng (chưa triển khai), còn lại rác chủ yếu được chôn lấp.
Tại NMXLR ở xã Đại Lào và xã Xuân Trường, ông Trãi cho rằng trong quá trình hoạt động thì xảy ra nhiều vướng mắc. Đây là những khó khăn xảy ra không chỉ riêng ở Lâm Đồng, nhất là với xử lý rác thải đô thị. Phía sở đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở.
“Trong quá trình làm thì người ta có vi phạm, tuy nhiên mình cũng tạo điều kiện cho họ khắc phục để tránh tình trạng ùn ứ rác thải, đặc biệt là với TP Đà Lạt”, ông Trãi phân tích.
Về giải pháp, ông Trãi cho rằng cần thực hiện việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn; nâng thêm kinh phí mua thêm phương tiện cho việc thu gom vận chuyển; giải pháp về công nghệ xử lý rác.
Nói về vấn đề này, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định tỉnh có khoảng 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày nhưng chưa có quy hoạch NMXLR công nghệ cao. Đây là nhu cầu tất yếu và sẽ được ưu tiên số 1 trong năm 2025 để quy hoạch NMXLR; đưa ra các tiêu chí cụ thể và tìm nhà đầu tư.
“Tiêu chí của tỉnh là phải xử lý được tối đa, thứ 2 là không chiếm nhiều diện tích, thứ ba là không gây mùi hôi và khói bụi làm ảnh hưởng sức khỏe”, ông Thái khẳng định.
Theo ông Thái, với tiêu chí như vậy thì không thể chia nhỏ các NMXLR theo từng huyện/thành phố mà phải có những NMXLR tập trung, quy mô 500 tấn/ngày thì mới đầu tư công nghệ cao được. Các địa phương không nên suy nghĩ mỗi huyện có 1 NMXLR chỉ để phục vụ mình. Phải làm theo hướng chỉ cần khoảng 3 NMXLR quy mô khoảng 500 tấn/ngày với công nghệ hiện đại, quá trình đầu tư minh bạch, cam kết rõ ràng thì hoàn toàn làm được.
“Chúng ta sẽ trong năm 2025 này. Về xử lý rác công nghệ cao thì quy trình xây dựng mất khoảng 2 năm. Chúng ta đã chậm mười mấy năm rồi thì sắp tới phải quyết tâm làm được” Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Nguồn: https://nld.com.vn/lam-dong-uu-tien-xay-dung-nha-may-xu-ly-rac-cong-nghe-cao-196241210174601947.htm