Công nghiệp văn hóa là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn
Triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản triển khai thực hiện chiến lược nói riêng và nền văn hóa địa phương nói chung.
Với những lợi thế về địa lý, khí hậu, thiên nhiên và con người, tỉnh Lâm Đồng xem các ngành công nghiệp văn hóa là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước. Việc triển khai các lĩnh vực công nghiệp văn hóa được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời, đa dạng, đồng bộ và hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, tạo nên các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh đã có thương hiệu, uy tín trong cả nước; kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế thời đại theo quy luật phát triển của đất nước và thế giới.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Lâm Đồng đã lựa chọn 13 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm: Du lịch văn hóa; Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Quảng cáo; Kiến trúc; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Xuất bản; Phát thanh – truyền hình; Thời trang. Đồng thời, ngành VHTTDL cùng các ngành, các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa bằng việc đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sau 5 năm, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận việc triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh, con người địa phương; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đặc biệt là kết quả triển khai, thực hiện về du lịch văn hóa, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển du lịch, tập trung khai thác lợi thế phát triển du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Qua đó, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng qua các năm đều tăng so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra (Năm 2018 đạt hơn 6,5 triệu lượt; Năm 2019 đạt hơn 7,1 triệu lượt; Năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách; Năm 2021 ước đạt khoảng 2 triệu lượt khách; Năm 2022 ước đạt 7 triệu lượt).
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tình hình mới
Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho hay, công tác triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhìn chung đạt được những kết quả nhất định, nhờ bám sát các nội dung và nhiệm vụ được giao. Song vẫn còn đó những rào cản, khó khăn, việc thực hiện hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh trên địa bàn tỉnh còn khó khăn,…
Một số lĩnh vực trong hoạt động công nghiệp văn hóa có tỷ suất đầu tư cao, nguồn nhân lực còn hiếm và thu hồi vốn chậm nên sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp còn hạn chế. Đại dịch Covid -19 cũng gây hệ luỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch Lâm Đồng cũng chịu thiệt hại lớn trong các năm 2020 và 2021.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, để vượt qua thách thức, tỉnh đã đề ra một số giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tình hình mới.
Cùng với đó, tranh thủ tối đa các kênh thông tin, truyền thông như báo, đài, website trong và ngoài nước,… nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hóa. Nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá các ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, thời trang.
Đồng thời đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, phát triển du lịch văn hóa tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế phù hợp với mục tiêu của tỉnh. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển theo định hướng chung là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa.
Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cũng bày tỏ, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam liên quan đến chức năng của nhiều bộ, ngành Trung ương, cho nên để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành địa phương trong việc thực hiện kế hoạch, do đó tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; ban hành các quy định, quy chuẩn cụ thể đối với từng lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với các địa phương./.
Nguồn: https://toquoc.vn/lam-dong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-gan-lien-voi-phat-trien-kinh-te-2024101013431568.htm