Tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.
Theo quyết định về việc phê duyệt kết quả rà soát cuối năm 2022 được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành hồi tháng 1/2023, toàn tỉnh còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%.
Trong đó: hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.
Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,6%, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74%. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%. Tỷ lệ giảm nghèo qua từng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.
Cùng đó, đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hằng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm. Không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo.
Tỉnh này đặt mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
Đặc biệt, Lâm Đồng đã gắn các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo với Chương trình phát triển nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tại Lâm Đồng, sau 2 năm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, đặc biệt là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến 92 %.
Ngoài ra, năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện cho Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Lâm Đồng là 65.683 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giải ngân triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo với tổng kinh phí là 5.152 triệu đồng.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển với tổng kinh phí là 3.751 triệu đồng, ngân sách địa phương là 480 triệu đồng đạt 99,7% kế hoạch. Ngoài ra, còn giải ngân vốn sự nghiệp với tổng kinh phí là 1.401 triệu đồng.
Đáng chú ý, tính đến tháng 7/2023, các Sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng đã vận động và chuyển 2.600 triệu đồng đến các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống như: Đam Rông, Cát Tiên, Lạc Dương, Di Linh…
Những việc làm tích cực và ý nghĩa đã tạo niềm tin cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách về giảm nghèo của Đảng, Nhà nước để họ tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.