Lâm Đồng lúng túng xử lý “tài sản hợp pháp” tại các dự án bị thu hồi
Theo nhận định của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, về cơ sở pháp lý, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa có quy định về khái niệm “tài sản hợp pháp”.
Dự án King Palace của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt bị tỉnh Lâm Đồng thu hồi, nhưng tỉnh này phải bồi thường chi phí mà doanh nghiệp đã đầu tư. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh này có 11 dự án bị thu hồi theo quy định của pháp luật về đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định thu hồi số dự án trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan và cùng báo cáo UBND tỉnh thống nhất cho doanh nghiệp bị thu hồi dự án (theo pháp luật đầu tư) chuyển nhượng tài sản hợp pháp trên đất.
Đề xuất xử lý theo hướng này được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất. Từ đó, các doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản và thực hiện nghĩa vụ khi chuyển nhượng tài sản.
Hiện đã có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh này xử lý thu hồi đất của người bán tài sản gắn liền với đất thuê để cho người mua tài sản thuê; 9 doanh nghiệp còn lại đang hoàn chỉnh các thủ tục liên quan.
Tuy nhiên, các quy định có liên quan (Điều 15b, Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ; khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai) chỉ quy định là tài sản hợp pháp mà không có quy định tài sản này phải được cấp sổ sở hữu mới là tài sản hợp pháp.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013, thì bắt buộc đối với đăng ký đất đai còn tài sản trên đất không bắt buộc mà thực hiện khi chủ sở hữu tài sản có yêu cầu. Và theo Điều 221, Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ để xác lập quyền sở hữu xuất phát từ nguồn gốc ban đầu tạo ra tài sản.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư năm 2020 không có các điều khoản quy định về “tài sản hợp pháp”, “chuyển nhượng tài sản hợp pháp”.
Còn Sở Xây dựng cho rằng, theo Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 thì công trình xây dựng phải có Giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; không có khái niệm công trình hợp pháp nên phải xem xét điều kiện hình thành. Từ đó, Sở Xây dựng đề nghị Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất Bộ, ngành Trung ương giải thích từ ngữ để áp dụng cho phù hợp.
Theo nhận định của Sở Tư pháp, về cơ sở pháp lý, quy định về “tài sản hợp pháp”, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa có quy định về khái niệm “tài sản hợp pháp”.
Bên cạnh đó, đối với tài sản hợp pháp cần phải đăng ký quyền sở hữu, công trình, việc lập hợp đồng phải được công chứng, chứng thực… theo quy định của pháp luật có liên quan mới được chuyển nhượng. Như vậy, việc chuyển nhượng tài sản hợp pháp phải đủ điều kiện, thủ tục theo luật định.
Theo đó, đối với những nội dung thực hiện quy định pháp luật còn vướng mắc, khó khăn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở Tư pháp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện cho đảm bảo.
Nguồn: https://baodautu.vn/lam-dong-lung-tung-xu-ly-tai-san-hop-phap-tai-cac-du-an-bi-thu-hoi-d217824.html