Kiểm tra những cửa hàng xăng dầu chưa chịu mua hàng tại địa phương?
Cung cấp biên bản làm việc mới đây của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đến Báo Thanh Niên, một chủ cây xăng tại Đà Lạt cho hay, tuy gọi là “vận động”, nhưng thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đề nghị doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một trong các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối đã có trụ sở, chi nhánh trong tỉnh hoặc thương nhân phân phối đã được đề xuất. “Việc này được thực hiện thường xuyên (định kỳ và đột xuất) tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa chuyển ký hợp đồng với thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối lập chi nhánh hoặc công ty con trong tỉnh, sẽ bị lập biên bản, xử lý theo pháp luật nếu phát hiện sai phạm”, đại diện một cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết.
Theo chủ cửa hàng xăng dầu này phản ánh, chính quy định tại Công văn 1818 (ban hành ngày 14.3.2023) của UBND tỉnh Lâm Đồng đã “mở đường” hay nói đúng hơn là “bật đèn xanh” cho đoàn kiểm tra liên ngành địa phương làm khó cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng trên địa bàn tỉnh. “Nhiều hợp đồng mua xăng dầu của chúng tôi ký từ đầu năm, từ Đồng Nai, từ Đắk Lắk, thậm chí từ TP.HCM đều có. Mua bán cả chục năm nay, giờ yêu cầu hủy để ký cho thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối tại địa phương, vốn dĩ chưa từng làm ăn với nhau, rất khó cho doanh nghiệp. Đó là chưa nói tình hình thị trường chi phí bán hàng trồi trụt, đầu mối lấy quen còn thông cảm chuyện thanh toán, ưu tiên nguồn hàng khi khan hiếm… Vận động nhưng cứ đi kiểm tra, lập biên bản, rồi buộc trình bày lý do tại sao chưa chuyển hợp đồng… không thể an tâm kinh doanh được”, chủ một đại lý xăng dầu tại Lâm Đồng chia sẻ.
Còn theo ông T., chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), địa phương muốn nhận phần thuế bảo vệ môi trường về ngân sách địa phương thì nên làm rõ với Tổng cục Thuế nhằm trích lại phần thuế bảo vệ môi trường tương ứng sản lượng tiêu thụ tại địa phương. Làm sao lại “ép” doanh nghiệp bán lẻ phải mua hàng từ đầu mối nào như vậy được? Đó là chưa nói, trường hợp các chính sách đại lý của các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối do tỉnh cung cấp (11 doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối – PV) không đạt được yêu cầu thỏa thuận với doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng xăng dầu và chưa thực hiện đúng quy định về đại lý thương mại tại luật Thương mại hiện hành, thì làm sao ký? Nếu buộc phải ký, ai bảo vệ cửa hàng bán lẻ?
“Đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra những cửa hàng không chuyển đổi hợp đồng theo yêu cầu. Đây là vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại đã được luật quy định, vi phạm luật cạnh tranh hòng tạo cạnh tranh không lành mạnh… Nếu thấy lấy hàng tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thuận lợi và có lợi hơn, chắc chắn các doanh nghiệp bán lẻ sẽ không từ chối. Hơn nữa, trong số 11 đơn vị trên đã có doanh nghiệp đầu mối từng vướng các vụ án điểm xăng dầu và từng bị tỉnh vận động các cửa hàng đại lý chuyển thương nhân ngay lập tức. Nay lại được chỉ định ký cho các cửa hàng bán lẻ…”, ông T. bức xúc.
“Kéo” khách hàng về cho 11 đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu?
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, số tiền thuế thu được từ lĩnh vực xăng, dầu nộp vào ngân sách tỉnh chưa tương xứng với sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Nên không đảm bảo nguồn chi cho hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do tiêu thụ xăng dầu gây ra. Đính kèm Công văn 1818 về tăng cường quản lý thuế, chống thất thu… UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đưa danh sách 9 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, để các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể tham khảo ký hợp đồng mua bán.
Tuy yêu cầu Cục Thuế tỉnh “vận động, hướng dẫn” các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang ký hợp đồng mua xăng dầu từ các thương nhân, doanh nghiệp đầu mối ngoài tỉnh, chuyển sang mua của doanh nghiệp trong tỉnh kể từ ngày 1.4.2023. Song UBND tỉnh cũng cho lập đoàn kiểm tra liên ngành, bắt đầu hoạt động từ quý 2, gồm các đơn vị thuế chủ trì, phối hợp với công an, quản lý thị trường địa phương… tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện việc chuyển qua ký hợp đồng chỉ định để thu thuế bảo vệ môi trường tại tỉnh Lâm Đồng. “Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, Công văn 1818 của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu.
Đến cuối tháng 3 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có trụ sở đóng trên địa bàn gửi đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Như vậy, có 11 doanh nghiệp đầu mối, phân phối được địa phương cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ để tham khảo, lựa chọn nhà cung cấp ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho công tác “chống thất thu thuế” này, tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trên khâu lưu thông đối với hoạt động vận chuyển, tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn kiểm tra được phép dừng phương tiện đang vận chuyển xăng dầu trên các tuyến đường cửa ngõ vào tỉnh Lâm Đồng và phương tiện vận chuyển xăng dầu trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra bất kỳ lúc nào (từ ngày 1.4 – 31.12.2023).
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ, đoàn được phép yêu cầu người vận chuyển đưa hàng và xe về chi cục thuế khu vực gần nhất để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và lập biên bản vi phạm hành chính. Thậm chí, nếu xe không chấp hành hiệu lệnh và có hành vi chống đối, đoàn kiểm tra được phép tạm giữ phương tiện và đề nghị cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra hành vi vi phạm phối hợp cùng xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.