Lâm Đồng là tỉnh có nhiều dân tộc, tôn giáo (43 dân tộc, 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận), trên 60% dân số theo các tôn giáo. Hiện, toàn tỉnh có 278 cơ sở tín ngưỡng (chưa bao gồm nhà thờ họ). Trong đó, có 158 cơ sở đã bầu ban quản lý hoặc người đại diện, đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định; 10 cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở tỉnh Lâm Đồng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành trên 300 văn bản hành chính để giải quyết các vụ việc và thủ tục hành chính; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về từ thiện – xã hội liên quan đến tôn giáo; chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các quy định về đất đai, xây dựng; ngăn chặn triệt để hiện tượng tôn giáo mới mang tính lệch chuẩn, trục lợi.
Công tác tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh được tổ chức thường xuyên cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Đồng thời, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của chức sắc, tín đồ theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn…
Tình hình an ninh chính trị ở tỉnh Lâm Đồng được giữ vững, ổn định, không xảy ra các vụ việc, vấn đề phức tạp tạo “điểm nóng” hoặc gây dư luận xấu trong nhân dân. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương, người có công đạt nhiều kết quả tích cực.
Thông tin này được làm rõ tại Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh năm 2023 hồi tháng 9/2023. Phó Trưởng ban Thường trực, BCĐNQ tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Quang Thống nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và đặc biệt là cán bộ chủ chốt trực tiếp chỉ đạo, tham mưu, thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hội nghị phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc chống phá ta trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và địa bàn Lâm Đồng nói riêng. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong tình hình mới, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được Ban Tôn giáo Chính phủ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ trình bày các chuyên đề: “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chống phá Việt Nam”; “Công tác bảo vệ và đấu tranh nhân quyền trong tình hình mới”.
Các báo cáo viên đã cung cấp nhiều thông tin, cập nhật kiến thức cơ bản về vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của Việt Nam khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc… Cung cấp thông tin về hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và trên địa bàn Lâm Đồng gắn với từng tính chất, đặc điểm cụ thể; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền trong tình hình mới.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Thống nhấn mạnh: Thời gian tới, công tác nhân quyền vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động, thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để gây sức ép, thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động số đối tượng chống đối.
Vì vậy, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, nhất là các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung triển khai các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về quyền con người trên các lĩnh vực; triển khai và thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; tiếp tục tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; đẩy mạnh công tác thông tin – tuyên truyền về quyền con người và đấu tranh với âm mưu hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam, nhất là trên không gian mạng.