Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu làm đẹp tăng cao, các cơ sở thẩm mỹ, spa, cửa hàng tóc phải hoạt động hết công suất vì luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, nhiều người vì trót chọn “cơ sở” làm đẹp không uy tín nên đành ngậm ngùi “tiền mất tật mang”.
Mất tiền, còn mang tật
Muốn có mái tóc mới và lướt mạng xã hội thấy một “cơ sở” làm đẹp quảng cáo với nội dung “thuốc nhuộm châu Âu, giá chỉ châu Á” nên Lê H. (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM) quyết định đến nhuộm tóc. H. chia sẻ, muốn nhuộm màu tóc mới thì phải tẩy màu tóc cũ khiến da đầu rất rát và đau, nhưng vì đẹp nên cố chịu. Khi được hỏi về việc có biết nhãn hiệu của thuốc tẩy tóc và nhuộm tóc không, H. vô tư trả lời: “Dạ không. Nhân viên của tiệm tóc vào phòng pha sẵn thuốc rồi mang ra thôi, chứ em cũng không hỏi”. Cũng chính vì tin tưởng và ham giá rẻ nên H. đang phải đến Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám, điều trị vì tóc rụng nhiều, da đầu bị bỏng rát, nổi chàm.
Còn chị L.N. (35 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cho biết, cũng vì muốn da sáng hơn để tết tự tin đi họp mặt bạn bè nên chị lên mạng tìm hiểu các phương pháp giúp sáng da nhanh. Sau khi tìm hiểu một trang Fanpage quảng cáo về tác dụng của tiêm Mesotherapy, chị quyết định làm thử. Không ngờ, sau khi tiêm về, da chị bị sưng tấy, bị áp xe, phải đến bệnh viện. Theo chị L.N., “cơ sở” thẩm mỹ mà chị tiêm Mesotherapy quảng cáo rằng “tiêm chỉ một mũi là thấy thay đổi ngay”. “Thay đổi ngay thật, mà là thay đổi theo hướng xấu đi thì đúng hơn”, chị L.N. ngậm ngùi nói.
Theo BS-CKI Đào Hải Yến, chuyên gia thẩm mỹ, Mesotherapy là phương pháp tiêm vi điểm, sử dụng kim nhỏ để đưa những lượng thuốc rất nhỏ trực tiếp vào da nhằm tạo ra những kích thích sinh học, từ đó đáp ứng điều trị mong muốn. Mesotherapy được ứng dụng chính yếu trong điều trị trẻ hóa da, trắng sáng da, điều trị rụng tóc, mụn trứng cá… Một số tác dụng phụ thường gặp trong tiêm Mesotherapy là sưng, bầm tại vết kim tiêm, tạo áp xe, viêm mô tế bào tại vùng tiêm thuốc… Do đó, cơ sở tiêm phải đảm bảo điều kiện vô khuẩn và kỹ thuật tiêm để hạn chế xảy ra biến chứng.
Kiểm chứng để tự bảo vệ bản thân
Theo TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc, dịp cuối năm, đánh vào tâm lý muốn làm đẹp “cấp tốc” để du xuân đón tết, nhiều cơ sở thẩm mỹ tung ra các chiêu thức quảng cáo với cam kết làm đẹp nhanh kèm theo các gói khuyến mãi hấp dẫn. Chính vì tin tưởng lời quảng cáo, nên nhiều người vô tình trở thành nạn nhân khi bỏ tiền làm đẹp nhưng lại dùng phải mỹ phẩm, sản phẩm kém chất lượng từ các cơ sở làm đẹp. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ tràn lan, “nổ” chức năng trên mạng xã hội hiện nay rất khó quản lý, kiểm soát.
“Nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo quá chức năng, một số cơ sở không được phép thực hiện các thủ thuật về thẩm mỹ, thậm chí người thực hiện không phải là bác sĩ nhưng họ vẫn quảng cáo nhan nhản trên mạng xã hội để thu hút khách hàng. Vì vậy, trước khi quyết định làm đẹp ở đâu thì chúng ta nên tra cứu, kiểm tra xem cơ sở thẩm mỹ nào được cấp phép làm thủ thuật và ai sẽ làm thủ thuật cho mình, người đó là ai, có phải bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề hay chưa”, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, để tránh những biến chứng và tác hại không mong muốn từ việc sử dụng các loại hóa chất phụ gia mỹ phẩm gây ra thì người dùng nên tự bảo vệ mình thông qua việc yêu cầu cơ sở làm đẹp cho kiểm tra tên thương hiệu, xuất xứ, nguồn gốc, hạn sử dụng của sản phẩm đó. Bởi lẽ, các loại hóa chất phụ gia mỹ phẩm sử dụng trên cơ thể con người đều phải được cấp phép và có chứng nhận được lưu hành sử dụng rộng rãi. Người dùng có thể yêu cầu cửa hàng tóc cho xem nguồn gốc, xuất xứ của thuốc tẩy và nhuộm tóc mình sẽ dùng, vì chất tẩy và nhuộm tóc có thể gây hại cho người dùng nếu là hàng kém chất lượng hoặc chứa thành phần hóa chất nguy hiểm.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hà, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, khi sử dụng thuốc nhuộm tóc, thuốc có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên da đầu hoặc thấm vào máu để gây tác dụng lâu dài cho người sử dụng. Việc sử dụng các loại thuốc nhuộm kém chất lượng do không được kiểm soát chặt chẽ về thành phần sẽ tiềm tàng rất nhiều nguy cơ cho người sử dụng. PPED (para-phenylenediamine), hóa chất thường dùng trong thuốc nhuộm màu đen, là hoạt chất khi tiếp xúc dễ gây dị ứng, hen phế quản và có thể gây ngộ độc nặng. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc còn có thể chứa rất nhiều các hóa chất có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như rối loạn nội tiết, trầm cảm, nhức đầu…
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa có thông báo kêu gọi tất cả khách hàng đã từng thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại Hộ kinh doanh Pfizers (2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3) khẩn trương cung cấp đơn kiện, hồ sơ, tài liệu cho Công an quận 3 để được giải quyết theo thẩm quyền. Hộ kinh doanh Pfizers liên tục vi phạm trong lĩnh vực y tế; thay tên biển hiệu và thách thức cơ quan chức năng.
Trước đó, Báo SGGP đã đăng tải bài viết “Cơ sở thẩm mỹ mạo danh nhãn dược nổi tiếng bị tạm đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động”, phản ánh thực trạng hộ kinh doanh này không những không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà còn cố tình tái phạm với hành vi vi phạm, tiếp tục quảng cáo điều trị sẹo, tiêm…
MINH NAM
KIM HUYỀN