Ông Nguyễn Thúc Phước Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện vừa công nhận thêm những mặt hàng nông sản, đặc sản đạt sao OCOP năm 2024, trong đó có sản phẩm bò một nắng của anh Bá Hữu Nhi ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình.
Bò một nắng, ăn là nghiền
Nổi bật trong nhóm sao OCOP này là sản phẩm Bò một nắng Hữu Nhi của một anh nông dân người Chăm xã Phan Hòa huyện Bắc Bình.
Nhiều lão nông ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết, vùng đất này vốn nổi tiếng với “nắng thừa, mưa thiếu” và đất đai rộng nên phù hợp với nuôi bò, phát triển mạnh chăn nuôi.
Chính vì thiếu mưa nên bò nuôi ở đất này cho ra chất lượng thịt rất ngon, ít có nơi nào sánh bằng. Nắm bắt cơ hội này, anh Bá Hữu Nhi (SN 1982), đồng bào Chăm tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa theo nghề truyền thống của cha ông và chế biến món bò một nắng, khiến ai ăn cũng thích.
Anh Bá Hữu Nhi cho biết, gia đình anh đã gắn với nghề sản xuất nông nghiệp, chế biến bò một nắng khoảng 20 năm nay ở xã Phan Hòa. Ngoài chế biến bò một nắng ra, vợ chồng anh Nhi còn trồng dừa bán trái, mở quán cà phê bán cho bà con xung quanh…
Theo anh Bá Hữu Nhi, để có được món bò một nắng thơm ngon, khác biệt với nhiều vùng miền khác, anh luôn chọn loại thịt đùi, thịt thăn của bò tơ. Thịt bò tươi được gia đình anh Bá Hữu Nhi đặt trước từ các lò mổ trên địa bàn để làm nguyên liệu chế biến.
Nhờ kết hợp với các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu, mắm, muối và một số hương vị lá rừng đặc biệt của vùng này, cùng bí quyết, cách làm riêng của gia đình nên bò có hương vị đặc biệt. Sau khi ướp thịt bò, anh Bá Hữu Nhi dùng dao cắt lát thịt bò hơi dày, phơi đủ 1 nắng tự nhiên từ sáng đến chiều mới ra thành phẩm… Vì vậy, sau khi chế biến xong, món thịt bò nướng trên lửa than hồng thơm, ngon khó cưỡng …
Sản phẩm bò một nắng của anh Bá Hữu Nhi được đóng gói cẩn thận và hút chân không trước khi đưa ra thị trường. Theo lời anh Bá Hữu Nhi, với sản phẩm có giá trị cao như bò một nắng, thị trường tiêu thụ cao điểm là dịp Tết Nguyên đán, được khách hàng mua làm quà tặng …
Thời gian bận rộn nhất của gia đình anh là vào khoảng từ 18 đến 20 tháng Chạp hàng năm. Thời điểm này, mỗi ngày gia đình anh chế biến hàng trăm ký thịt tươi. Giá thành phẩm bò một nắng hiện nay được gia đình anh bán ra thị trường đang ở mức 650.000 đồng/kg.
Khi hay tin sản phẩm “Bò một nắng – xã Phan Hòa” của gia đình mình được UBND huyện Bắc Bình xếp hạng OCOP 3 sao và các thủ tục chứng nhận vệ sinh toàn thực phẩm theo quy định, anh Bá Hữu Nhi rất mừng.
“Tôi hy vọng sản phẩm này sẽ góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và các hộ đồng bào Chăm trong xã. Tôi rất tin tưởng sản phẩm và thương hiệu “Bò một nắng Phan Hòa” của bà con người Chăm ngày càng vươn xa, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nông dân có thu nhập ổn định …”, anh Bá Hữu Nhi chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp
Theo UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận), ngoài việc chăn nuôi theo hướng xanh, sạch, thời gian qua nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên nhóm cây sản xuất trong nhà màn, nhà bạc như dưa lưới, rau các loại, nhóm cây sản xuất trong điều kiện tự nhiên cũng đã phát triển mạnh.
Trong năm 2024, huyện Bắc Bình có thêm các sản phẩm đạt OCOP 3 sao là Cơ sở sản xuất Dưa Lưới của HTX nông nghiệp SOLEILFARM xã Hòa Thắng, Cơ sở sản xuất Xoài của HTX nông sản VietGAP Sông Bình xã Sông Bình, Cơ sở sản xuất Bưởi của hộ Nguyễn Thị Oanh xã Sông Bình, Cơ sở sản xuất Nhãn của hộ Mã Bỉnh Tường xã Hồng Phong.
Bên cạnh đó là sản phẩm Ớt của Công ty TNHH SXTM Tân Đông – Chi nhánh Bình Thuận, Cơ sở sản xuất Nho của ông Dương Minh Quang, Cơ sở sản xuất Dưa Lưới của ông Nguyễn Hữu Tính thuộc xã Hòa Thắng và Cơ sơ sản xuất Xoài của ông Nguyễn Văn Tuấn thuộc xã Sông Bình.
Trước đó huyện Bắc Bình cũng có những sản phẩm đạt OCOP 3 sao là sản phẩm Thanh long đỏ lên men Prosperous – xã Hải Ninh, Tinh dầu bạc hà – xã Bình An, Quả xoài tươi – xã Sông Bình, Trái Thanh long ruột trắng – TT Chợ Lầu.
Trong năm 2023 cũng có những sản phẩm như Yến sào Hoàng Anh – xã Sông Lũy, Bưởi da xanh – xã Sông Bình, Thanh nhãn Bình Thuận – xã Hồng Phong. San năm 2024 toàn huyện Bắc Bình có thêm điểm Du lịch Bàu Trắng U&Me – xã Hòa Thắng, Yến sào FATHI – xã Hồng Thái (hộ xin chuyển tên sản phẩm từ Trúc Quyên sang FATHI), Bò một nắng Hữu Nhi – xã Phan Hòa và Bộ Gốm người Chăm Sơn Hòa -xã Phan Hiệp.
Như vậy, tính đến cuối năm 2024 trên địa bàn huyện Bắc Bình có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình, hiện nhóm cây sản xuất trong nhà màn, nhà bạc như dưa lưới, táo dây, rau các loại… trên toàn huyện có tổng diện tích hơn 101,1 ha.
Riêng diện tích cây có múi như bưởi, cam, quýt, chanh không hạt khoảng 409,5 ha. Đa số các chủ trang trại hoặc chủ hộ đều ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học …
Các loại cây ăn quả khác (thanh long, xoài, mít, nhãn… khoảng 3.218 ha và chủ yếu đều ứng dụng tưới tiết kiệm theo hướng tự động, sử dụng các loại phân bón hóa, thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly.
Trong năm 2024, huyện Bắc Bình đã triển khai thực hiện 7/7 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật như mô hình trồng mít thái theo hướng GAP tại xã Phan Hòa, mô hình trồng bưởi theo hướng GAP tại xã Phan Hiệp, mô hình nuôi gà lai nòi trên đệm lót sinh học tại xã Hòa Thắng, mô hình trồng nấm rơm tại xã Phan Sơn.
Đáng chú ý là mô hình trồng giống lúa mới chất lượng cao tại xã Phan Điền, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hải Ninh, mô hình nuôi dông gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Bình Tân.
Cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm chất lượng
Cũng trong năm 2024, huyện Bắc Bình đã tổ chức tập huấn 64 lớp, về hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp cao và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, với hơn 2.560 nông dân tham gia.
Thực hiện hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho 4 tổ chức, cá nhân gồm: Cơ sở sản xuất Ớt của Công ty TNHH SXTM Tân Đông – Chi nhánh Bình Thuận, Cơ sở sản xuất Nho của ông Dương Minh Quang, Cơ sở sản xuất Dưa Lưới của ông Nguyễn Hữu Tính thuộc xã Hòa Thắng và Cơ sơ sản xuất Xoài của ông Nguyễn Văn Tuấn thuộc xã Sông Bình.
Tính đến nay trên địa bàn huyện Bắc Bình đã có 8 tổ chức, cá nhân được cấp mã vùng trồng.
Theo UBND huyện Bắc Bình, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện trong 9 tháng đầu năm 2024, gồm đàn bò 57.230 con/55.550 con. Diện tích trồng cỏ 295/300 ha.
Huyện Bắc Bình đang duy trì 34 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có trang trại bò quy mô 200 con ở Sông Bình. Riêng xã Phan Hòa hiện có 2.230 con bò và 1.800 con dê, cừu.
Nguồn: https://danviet.vn/lam-bo-mot-nang-kieu-gi-ma-dat-sao-ocop-anh-nong-dan-binh-thuan-ban-dac-san-dat-hang-20241213101937868.htm