YênBái – Bằng sản phẩm bếp, bình đun củi nóng lạnh tận dụng nhiệt lượng của mình, anh Nguyễn Văn Huỳnh, người dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) đang có thu nhập lên tới vài tỉ đồng mỗi năm.
|
|
Tiêu biểu trong số những thanh niên khởi nghiệp thành công tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là anh Nguyễn Văn Huỳnh. Hiện nay, anh Huỳnh đang làm chủ một cơ sở sản xuất bếp đun nóng lạnh có chi nhánh trên ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Doanh thu một năm của cơ sở đạt 8,3 tỉ đồng, lợi nhuận vào khoảng 2 tỉ đồng/năm.
“Giai đoạn khởi nghiệp đầu tiên rất khó khăn, hầu như chúng tôi phải tự cung tự cấp hết vì nhà nghèo, vốn ít. Vay ngân hàng cũng khó vì khi đó mình chưa có uy tín, đất ở đây cũng không có giá trị mấy. Những lô hàng đầu tiên, chúng tôi không bán mà đi khắp nơi mời người dân dùng thử, rồi xem cái gì tốt thì phát huy, cái gì chưa tốt thì cải thiện. Khoảng 3 năm sau, người dân bắt đầu thích và mua nhiều, tôi mới bắt đầu có thị trường rồi mở rộng tới các tỉnh thành khác”, anh Huỳnh kể.
Sản phẩm bếp đun củi nóng lạnh của anh Huỳnh có hai phần: một là bếp đun, hai là bình bảo ôn, được nối với nhau bằng hai đường ống chịu nhiệt. Khi người dân đốt củi để đun nấu ở bếp đun, nhiệt lượng thừa sẽ không bị phân tán ra ngoài không khí, mà sẽ đi theo hai đường ống trên tới bình bảo ôn để làm nóng nước trong bình. Chỉ khoảng 15-20 phút sau, người dân đã có thêm nước nóng trong bình bảo ôn để sử dụng. Sản phẩm này được người dân những vùng cao rất ưa chuộng vì sự tiện lợi, tiết kiệm theo kiểu “một công đôi việc”.
Ông Nguyễn Văn Chi, Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết, anh Huỳnh là một trong những đoàn viên tiêu biểu nhất của xã. Không chỉ thành công trong kinh doanh, anh Huỳnh còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 thanh niên trong xã. Bên cạnh đó, anh Huỳnh cũng thường xuyên tài trợ cho các hoạt động cộng đồng của xã như các giải đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ… và tích cực tham gia công tác từ thiện.
Với những thành tích trong kinh doanh và công tác xã hội của mình, anh Nguyễn Văn Huỳnh đã được nhận bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số năm 2018 của nguyên Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là 1 trong 62 “Nhà khoa học của nhà nông năm 2022”;… Song song với việc kinh doanh, anh Huỳnh vẫn đang làm Bí thư chi đoàn của thôn, đang trong ban thường vụ của đoàn xã, và còn học thêm một bằng cử nhân Luật Kinh tế ở Đại học Mở Hà Nội.
Xã An Thịnh còn khá nhiều thanh niên khác đang khởi nghiệp thành công và có thu nhập cao. Tiêu biểu như anh Phạm Văn Thành ở thôn Cổng Trào, làm chăn nuôi lợn và buôn bán, thu nhập 400-500 triệu đồng/năm; chị Nguyễn Thị Kim Tiến ở thôn Tân Thịnh, có xưởng thiết kế và sản xuất biển quảng cáo riêng, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm; anh Hoàng Văn Thụ ở thôn Làng Lớn sở hữu 15 hecta đất trồng quế, 1 hecta ao nuôi trồng thuỷ sản, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm… |
(Theo TPO)
Thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trở thành điển hình tiên tiến khi đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của người làm tròn cả hai vai công an viên thôn và Trưởng Ban hành giáo Lê Anh Tuấn.
Cựu chiến binh (CCB) Giàng A Lử ở bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tổng hợp với nuôi ong mật, chăn nuôi trâu, lợn; trồng ngô, lúa; mở cửa hàng tạp hóa và làm dịch vụ sửa chữa xe máy.
Không chỉ cần cù, chăm chỉ, chị Giàng Thị Vang ở bản Pú Nhu Háng Sung, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải còn là một phụ nữ trẻ năng động làm giàu nhờ biết dựa vào tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương.
10 lần hiến máu với hàng trăm đơn vị máu từ khi còn là sinh viên đại học; thường xuyên vận động người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu, cô giáo Lò Thủy Uyên – Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải hàng ngày vẫn cần mẫn vun trồng những hạt mầm nhân ái, lan tỏa hành động yêu thương, tích cực đến với cộng đồng, xã hội.