Những quan niệm lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu trước đây có ảnh hưởng lớn đến vai trò của người phụ nữ, dẫn đến sự thiếu hụt về quyền lợi của họ. Tuy nhiên, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng và của chính những người phụ nữ.
Gia đình chị Tao Thị Coong, dân tộc Lự, ở bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trước đây là hộ nghèo nhất bản. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào việc canh tác mảnh ruộng 1 vụ, nên thường thiếu trước, hụt sau. Mỗi khi có việc cần tiền tiêu, vợ chồng chị phải bán lúa, ngô và không ít lần nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đánh, chửi nhau.
Từ nguồn vốn ưu đãi của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, gia đình chị được chính quyền địa phương và các cấp hội phụ nữ hỗ trợ, hướng dẫn cách làm kinh tế. Nhờ cần cù, chịu khó, vợ chồng chị đã khai hoang thêm diện tích đất để xây dựng mô hình kinh tế V-A-C. Đến nay, gia đình chị đã có vườn cây ăn quả hơn 3.000m2, ao cá hơn 1.000m2 và 5 con trâu. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị còn trở thành hộ sản xuất điển hình của bản, của xã.
“Được hội liên hiệp phụ nữ tuyên truyền về công tác bình đẳng giới, vợ chồng tôi luôn giúp nhau trong lao động sản xuất và công việc hàng ngày, chăm lo cho các con đi học đầy đủ”, chị Tao Thị Coong nói.
Xã vùng cao Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có 13 bản với 2 dân tộc Mông, Dao sinh sống. Do quan niệm và tập quán lạc hậu của dân tộc, nên trước đây, người phụ nữ trên địa bàn quanh năm chỉ biết làm lụng, sinh đẻ và không có tiếng nói trong gia đình. Thế nhưng, nhờ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhất là hội phụ nữ tích cực phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, nên chị em đã dần thay đổi tư duy, từng bước thể hiện mình một cách bình đẳng trong xã hội.
Già làng Vừ A Páo, trưởng dòng họ Vừ ở bản Thà Giằng Chải, xã Tà Ngảo cho biết: giờ đây chị em phụ nữ trên địa bàn đã được tham gia các cuộc họp bản, họp dòng họ và tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng, xã hội.
“Bình đẳng giới rất quan trọng, không làm tốt công tác bình đẳng giới thì sẽ rất khó khăn trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình; tình hình bạo lực gia đình sẽ thường xuyên xảy ra, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Từ khi tôi làm trưởng dòng họ cho đến nay thì bản của tôi đang sinh sống có 127 hộ, gần 800 nhân khẩu thì mọi người thực hiện bình đẳng giới rất là tốt. Không có trường hợp nào nam giới đánh phụ nữ nữa”, anh Vừ A Páo cho biết.
Vai trò của phụ nữ vùng cao đang ngày càng được khẳng định trong gia đình và ngoài xã hội
Hội Liên hiệp phụ nữ Sìn Hồ hiện có hơn 180 chi hội, trên 16.000 hội viên, với khoảng 95% là người dân tộc thiểu số.
Bà Lâm Bích Hiến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết: để chị em từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, tự tin vươn lên thể hiện vai trò của mình trong gia đình và xã hội, những năm qua, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Luật bình đẳng giới tới hội viên và nhân dân. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong huyện đã tuyên truyền hơn 600 buổi, với gần 50.000 lượt người tham gia. Việc tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như: sân khấu hóa, hội thi, hội thảo, tuyên truyền miệng… Nội dung tuyên truyền tập trung vào vấn đề bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình phát triển bền vững…
“Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sìn Hồ cũng đã triển khai thực hiện các hoạt động, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng sống, kiến thức pháp luật để phụ nữ phát triển và tự tin hơn, qua đó nâng cao năng lực cho phụ nữ”, bà Lâm Bích Hiến cho biết.
Tuyên truyền Luật bình đẳng giới tới phụ nữ vùng cao Lai Châu
Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nhờ triển khai tích cực, đồng bộ, dự án đã góp phần nâng cao kỹ năng, nhận thức và làm thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới cho đội ngũ cán bộ hội và người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Bà Vàng Gió Nhù, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Để nâng cao kỹ năng, nhận thức của các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng, nhất là hội viên phụ nữ các dân tộc thiểu số về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, để xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; chúng tôi đã tập trung tuyên truyền các vấn đề liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại, phòng ngừa mua bán phụ nữ, trẻ em và tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Việc tuyên truyền đã nâng cao hiệu quả trong phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở, là cơ hội để các tổ truyền thông ở các xã được giao lưu, học hỏi trong công tác tuyên truyền và vận động tại cộng đồng”.
Những chuyển biến trong tư duy, nhận thức về bình đẳng giới của cộng đồng đã mang đến những hiệu quả thiết thực tại Lai Châu, khi các mô hình gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ngày càng gia tăng. Các mô hình chi hội, tổ phụ nữ, hội viên có chồng, con không nghiện ma túy và vi phạm pháp luật cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Tại nhiều địa phương, phụ nữ còn là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từ đó góp phần đáng kể vào việc xây dựng bản làng, quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.