Xác định việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, Đảng bộ thành phố Lai Châu đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.
Theo đó, thành phố Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số. Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm, quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được tham gia các lớp đào tạo đạt chuẩn, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từng bước chuẩn hoá ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024.
Qua đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được củng cố và nâng cao. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức thành phố tính đến 30/6/2024 là 1.170 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là 204 người, chiếm 17,4%. Từ năm 2020 đến ngày 30/6/2024, UBND thành phố đã cử đi đào tạo và đề nghị cấp có thẩm quyền cử 318 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị … do thành phố và các sở, ngành tổ chức.
Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Lai Châu, trong đó xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện. Đến nay Thành phố đã mở được 03 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 316 cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4; trong đó 285 người tham gia lớp bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước thành phố có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số còn thấp; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số của Thành phố chiếm tỷ lệ nhỏ, không đồng đều giữa các dân tộc và giữa các cơ quan, đơn vị. Công tác quy hoạch cán bộ có thời điểm chưa cao do nguồn nhân sự quy hoạch là người dân tộc thiểu số của các cơ quan, đơn vị, các xã, phường còn ít. Việc bố trí tạo nguồn kế cận cán bộ là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do: Tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố thấp; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc còn ít, không đồng đều giữa các dân tộc và giữa các cơ quan, đơn vị, xã, phường nên khó khăn trong công tác quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ là người dân tộc thiểu số. Do thực hiện chính sách tinh giản biên chế, biên chế hàng năm được giao ngày càng giảm ảnh hưởng đến nguồn cán bộ kế cận.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thời gian tới, thành phố Lai Châu tập trung: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Có quy định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, chức danh hay vị trí việc làm dành riêng cho CBCC vùng DTTS theo hướng phải bảo đảm tính đặc thù, nhưng không được cách biệt với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung. Từ đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xây dựng chương trình, tài liệu triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chất lượng CBCC theo những đặc thù về văn hóa; cần xây dựng khung chương trình đào tạo riêng dành cho cán bộ người DTTS, nội dung đào tạo gắn với đặc thù của đối tượng, khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh của đội ngũ cán bộ người DTTS. Cấu trúc chương trình cần linh hoạt, bao gồm phần chung thống nhất trong cả nước và phần riêng đặc thù cho từng nhóm đối tượng CBCC dân tộc khác nhau. Cần lựa chọn xây dựng một số nội dung phù hợp với nhu cầu riêng đối với từng nhóm dân tộc, vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh.
Xây dựng kế hoạch chi tiết đào tạo, bồi dưỡng CBCC người DTTS theo lộ trình, nhiệm kỳ, bảo đảm tính liên tục, kế thừa các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Đa dạng hóa nguồn CBCC người DTTS, gồm: thanh niên học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ, nữ giới. Triển khai tốt các chính sách về thu hút tạo nguồn CBCC người DTTS, nâng cao tỷ lệ cán bộ người DTTS giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương.
Tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo. Đầu tư mở rộng, nâng cấp các cơ sở sẵn có (trường nội trú, dạy nghề, cao đẳng, đại học, trung tâm bồi dưỡng chính trị, trường chính trị tỉnh, thành phố…), cơ sở đào tạo gắn với đặc thù các vùng Tây Bắc. Đầu tư đồng bộ trường, lớp, chỗ ăn, ở nội trú cho học viên, giảng viên; cơ sở vật chất phục vụ dạy – học, rèn luyện thể chất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy. Các phương pháp truyền đạt cần kết hợp nội dung mới, hiện đại với những nét văn hóa đặc trưng của người DTTS. đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với thực hành, tập huấn kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm các mục tiêu, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng hiệu quả, kịp thời, hạn chế tính hình thức, phô trương thành tích không thực chất, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Hoàn thiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC người DTTS góp phần xây dựng lòng tin, sự bình đẳng giữa các dân tộc vì mục tiêu phát triển đất nước.
Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Kết hợp các hình thức đào tạo, đặc biệt là hình thức đào tạo thông qua việc làm và các kỹ năng thực tiễn. Xác định năng lực chung và năng lực khác biệt cần có giữa cán bộ lãnh đạo chính trị và cán bộ nghiệp vụ chuyên môn trong bộ máy Đảng và Nhà nước, từ đó có cơ sở xác định quy trình tuyển lựa và đào tạo cán bộ người DTTS. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS làm chuyên trách ở các làng, bản, buôn, đội ngũ già làng, trưởng bản, cộng tác viên, tạo điều kiện cho cán bộ DTTS tiếp cận với cái mới và có kỹ năng, nghiệp vụ theo mỗi vị trí mà cán bộ DTTS đảm nhiệm ở vùng DTTS.
Nguồn: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-b%E1%BB%93i-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-%C4%91%E1%BB%99i-ng%C5%A9-c%C3%A1n-b%E1%BB%99-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91